Một lượng đờm hoặc chất nhầy dư thừa trong cổ họng của bé có thể dẫn đến nghẹt thở, ho và khiến bé nuốt thường xuyên. Chất nhầy trong cổ họng là triệu chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, phổ biến nhất là cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường.
Nếu trẻ sơ sinh có đờm ở cổ dai dẳng không hết hoặc gây tắc nghẽn đường thở, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.
Sử dụng thuốc không kê đơn được không?
Câu trả lời là không. Không có thuốc kháng histamine, thuốc giảm ho, thuốc giảm đau không kê đơn nào được chấp thuận sử dụng ở trẻ em dưới 4 tuổi. Những thuốc này có thể gây hại cho em bé và thậm chí còn làm nặng thêm các triệu chứng của bé.
Sử dụng nước muối sinh lý
Sử dụng các sản phẩm xịt nước muối hoặc nhỏ giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, giúp chất nhầy và đờm trở nên loãng hơn, chảy xuống mũi vào cổ họng.
Thao tác thực hiện: Cho trẻ nằm nghiêng một bên và đặt đầu của chai nước muối vào một bên lỗ mũi. Đối với trẻ sơ sinh, tốt nhất nên nhỏ một hoặc hai giọt vào mũi bé thay vì dạng xịt phun sương.
Mẹ thực hiện điều này bằng cách từ từ bóp nhẹ chai nước muối sinh lý để đẩy nước ra, thay vì bóp nhanh và mạnh. Lặp lại việc nhỏ nước muối vào lỗ mũi còn lại và để bé nghỉ ngơi vài giây.
Sử dụng một quả hút cao su (hoặc dụng cụ hút mũi mà mẹ có) để hút đờm nhầy bằng đường mũi. Mẹ thực hiện một cách nhẹ nhàng nhất, bóp và giữ quả hút cao su trước khi đưa vào mũi bé.
Đưa quả hút vào mũi một khoảng ngắn và buông tay để giải phóng quả hút dãn trở lại và hút theo dịch nhầy ở mũi họng bé. Hãy thận trọng khi đưa đầu quả hút vào mũi trẻ sơ sinh, mẹ chỉ cần đưa vào khoảng 0.5cm hoặc ít hơn.
Đây là cách hiệu quả và an toàn để giảm bớt triệu chứng trẻ sơ sinh có đờm ở cổ. Nếu mẹ vẫn chưa tự tin, hãy hỏi bác sĩ hoặc y tá để được hướng dẫn chi tiết nhất về việc hút chất nhầy ở cổ họng bé. Rửa sạch dụng cụ bằng cồn hoặc xà phòng rồi tráng lại nước ấm, để khô giữa các lần sử dụng. Không sử dụng chung dụng cụ với các trẻ sơ sinh khác.
Làm ẩm không khí trong phòng
Độ ẩm không khí có thể giúp bé dễ dàng ho ra đờm hoặc hạn chế việc mất nước. Mẹ nên đặt máy làm ẩm phun sương làm mát hoặc ấm trong phòng bé để cung cấp thêm độ ẩm không khí. Máy tạo độ ẩm phun sương mát thường được ưa chuộng hơn.
Tùy thuộc vào các triệu chứng khác của bệnh khiến trẻ sơ sinh có đờm ở cổ, việc phun sương mát hoặc ấm có thể hiệu quả hơn trong việc làm loãng dịch tiết.
Ví dụ: Bé có kèm theo ho khan sẽ được cải thiện với phun sương ấm trong khi ho đờm với nhiều chất nhầy có thể được cải thiện với phun sương mát.
Nếu mẹ không có máy làm ẩm phun sương có thể lựa chọn thay thế khác như tạo độ ẩm bằng cách đun sôi một chảo nước trên bếp trong vài giờ hoặc bế em bé vào phòng tắm kín có nước nóng đang chảy và tỏa ra hơi nước.
Sử dụng tinh dầu
Các loại tinh dầu khác nhau có thể được sử dụng để làm loãng đờm ở cổ họng trẻ em. Tuy nhiên không phải loại tinh dầu nào cũng sử dụng được cho trẻ sơ sinh vì một số tinh dầu có thể gây ức chế hô hấp.
Đối với trẻ sơ sinh, chỉ nên sử dụng tinh dầu khuynh diệp, nhỏ vài giọt vào máy tạo độ ẩm (chảo nước sôi hoặc nước nóng trong nhà tắm) để bé hít vào, giúp bé dễ chịu hơn do tinh dầu phát huy tác dụng làm loãng đờm ở cổ họng bé.
Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
Tiếp tục cho bé ăn sữa bột hoặc sữa mẹ trong bất kỳ bệnh lý nào nhằm giữ cho bé không bị mất nước và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để khỏi bệnh.
Cho bé nằm đầu cao
Khi trẻ sơ sinh có đờm ở cổ kèm theo nghẹt mũi, thở khò khè, mẹ có thể kê gối đầu trẻ hơi cao hơn bình thường một chút. Điều này sẽ giúp bé dễ thở hơn.
Vỗ rung long đờm cho bé
Trẻ sơ sinh có đờm ở cổ có thể cải thiện bằng cách vỗ rung, mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng của bé, phần giữa hai bả vai, vỗ nhịp nhàng và liên tục. Khi vỗ, mẹ nên đỡ bé nằm sấp trên tay mẹ hoặc đỡ bé ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống.
Động tác này giúp bé có thể sẽ ho nhiều và nôn ra đờm, nên thực hiện khi bé đói, tốt nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy, lúc bé chưa ăn gì.
Kích thích bé nôn
Với những em bé sơ sinh không tự khạc đờm được, mẹ có thể kích thích cho bé nôn bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng trong khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng bé…
Khi đã thực hiện phần lớn các biện pháp khắc phục trẻ sơ sinh có đờm ở cổ nhưng vẫn không cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Đặc biệt trong các trường hợp bé có kèm theo nhiều triệu chứng như sốt, khó thở, bỏ bú, li bì nhiều… cần vào viện để theo dõi kỹ hơn.