Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trẻ sinh thường khi chui qua âm đạo người mẹ gặp những vi khuẩn có lợi cho sự phát triển thể chất và miễn dịch. Trẻ sinh mổ qua đường rạch ở bụng mẹ không hưởng được những lợi khuẩn này nên sức đề kháng kém hơn.

Ca mổ thường được bác sĩ chuẩn bị kỹ, tuy nhiên không thể tránh khỏi tỷ lệ nhỏ trẻ chào đời bị chấn thương do dao rạch, khó khăn lúc đưa bé ra khỏi bụng mẹ. Trẻ sinh mổ cũng đối diện nguy cơ sinh non, chưa đủ ngày tháng do tính toán không đúng thời gian thai kỳ, thai nhi chưa trưởng thành như mong muốn. Trẻ sau sinh mổ thường phải nằm ở phòng khác để chờ mẹ hậu phẫu, ít tiếp xúc với mẹ ngay sau khi chào đời để bú sữa non của mẹ sớm.

Bác sĩ chỉ định sinh mổ trong một số trường hợp như đầu thai không thuận, mẹ và bé mắc các bệnh lý không thuận tiện để sinh thường... Ngày nay nhiều bà mẹ vì những lý do riêng như sợ đau đẻ, chọn ngày sinh đẹp... nên yêu cầu bác sĩ mổ bắt con. 

Từ lúc thụ thai trong bụng mẹ đến 2 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của trẻ, cần chú ý về dinh dưỡng. Ảnh: Lê Phương.

Chia sẻ tại hội thảo về dinh dưỡng ở TP HCM ngày 25/5, phó giáo sư Tuấn cho rằng có thể khắc phục các bất lợi ở trẻ sinh mổ bằng cách tác động vào hệ vi sinh đường ruột, bổ sung lợi khuẩn qua sữa mẹ, thức ăn... Mục đích giúp trẻ tăng cường miễn dịch, cải thiện chức năng hoạt động đường ruột, giảm rối loạn tiêu hóa, hạn chế nhiễm trùng. 

Giáo sư Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết 1.000 ngày đầu đời bắt đầu từ lúc thụ thai trong bụng mẹ đến 2 tuổi, là giai đoạn quan trọng của trẻ. Thời kỳ này trẻ hình thành hệ thần kinh, chức năng miễn dịch và các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sự phát triển về sau.

Khi ấy dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh giúp trẻ phát triển não bộ và hệ thần kinh, chức năng miễn dịch, chống chọi với bệnh tật trong suốt cuộc đời, đặc biệt các bệnh không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư...