Ngày 25/9, BS.CKII Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch Liên Chi hội cột sống TPHCM, Trưởng Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống thành công cho nữ bệnh nhân L.T.L.C., 59 tuổi, ngụ tại TPHCM.

Cách đây gần 40 năm, bệnh nhân L.T.L.C. khi mặc quần áo đã phát hiện 2 ống quần không đều nhau, bên cao bên thấp, độ chênh 2cm. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng không can thiệp.

Đến năm 27 tuổi, bệnh nhân C. lập gia đình, khi đi may áo dài phát hiện vai bị nghiêng, bên cao, bên thấp. Lúc đó, bệnh nhân nhận thức đã bị vẹo cột sống. Tuy nhiên, thời điểm này bệnh nhân mới sinh con lại đau ốm thường xuyên nên không có điều kiện để đi chữa trị dẫn đến tình trạng vẹo ngày càng nặng thêm, không thể mặc áo dài được.

Hình ảnh lâm sàng bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật vẹo cột sống.

Đến tháng 8/2022, bệnh nhân cảm thấy phần khung chậu bị lệch hẳn, vai cũng bị lệch nhiều, khi ngồi hay đi đứng bị đau, tê vùng cột sống ngực, thắt lưng, kèm khó thở.

Sau khi bệnh nhân nhập Đơn vị cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật, nắn chỉnh vẹo cột sống cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 6 tiếng.

Ê-kíp bác sĩ Đơn vị cột sống, Bệnh viện Trưng Vương phẫu thuật vẹo cột sống cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cao thêm 5cm, dáng người đi thẳng, vai cân, khung chậu không còn lệch như trước nữa. Bệnh nhân cũng hết đau vùng ngực, thắt lưng khi ngồi, đi hay đứng, sức cơ phục hồi hoàn toàn, chức năng hô hấp được cải thiện tốt, không còn cảm giác khó thở.

Theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, vẹo cột sống vô căn thì không thể phòng ngừa được. Theo thống kê, vẹo cột sống ở người trưởng thành trên 50 tuổi là 6%. Và càng lớn tuổi nguy cơ vẹo cột sống nặng hơn càng cao, có thể tăng lên đến 36%.

Nguyên nhân của bệnh lý vẹo cột sống ở người trưởng thành có 2 loại. Đó là vẹo cột sống bẩm sinh từ nhỏ không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm và vẹo cột sống mới mắc phải do thoái hóa ở người cao tuổi.

Cũng theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, tuy không thể phòng ngừa vẹo cột sống vô căn nhưng có nhiều cách để phòng ngừa tiến triển như tập thể dục.

Thực tế cho thấy, khi cột sống cong, các cơ xung quanh yếu đi và sau đó độ cong tăng lên. Bệnh nhân cần gia tăng sức mạnh cơ lưng và cơ bụng để giữ cho cột sống thẳng đứng. Điều cần thiết là bệnh nhân cần phải khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa cột sống.

Bác sĩ chuyên khoa cột sống thường khuyên dùng phương pháp trị liệu Schroth (phương pháp điều trị không phẫu thuật - PV) để kiểm soát vẹo cột sống. Theo đó, bệnh nhân bị vẹo cột sống cần tập luyện để tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh cột sống để các đốt sống có thể được hỗ trợ tốt. Liệu pháp này có thể sửa tư thế của bệnh nhân, cải thiện dung tích phổi, giải phóng căng thẳng và đau đớn, ổn định độ cong của vẹo cột sống, cải thiện kiểm soát thần kinh cơ, tăng cường cơ bắp.

"Hầu hết các phương pháp điều trị bảo tồn nhằm mục đích hy vọng tình trạng vẹo cột sống không nặng hơn, chứ không điều trị dứt điểm hoàn toàn vẹo cột sống", bác sĩ Hồ Nhựt Tâm cho biết.