Cung cấp đủ nước đóng vai trò quan trọng đối với việc duy trì các chức năng trong cơ thể. Nghiên cứu mới đây của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) được đăng tải trên tạp chí eBioMedicine còn chỉ ra rằng uống đủ nước có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, tử vong sớm hoặc lão hóa sớm.

Nghiên cứu kéo dài trong suốt 25 năm, được thực hiện trên 11.255 người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để đo nồng độ natri huyết thanh - được sử dụng như một chỉ số về lượng chất lỏng trong cơ thể - của các tình nguyện viên. Thông thường, càng uống nhiều nước, lượng natri trong máu càng thấp.

Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi 15 dấu hiệu sức khỏe để đánh giá quá trình lão hóa sinh học ở người tham gia. Theo đó, những tình nguyện viên có mức natri huyết thanh trên 142 mmol/l có nguy cơ lão hóa sớm cao hơn 10% - 15% so với những người có mức natri huyết thanh trong khoảng 137 đến 142 mmol/l.

Những tình nguyện viên có nguy cơ lão hóa sớm cũng có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như suy tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường và chứng mất trí cao hơn 64%.

Những người có mức natri huyết thanh trên 144 mmol/l có nguy cơ lão hóa sớm cao hơn 50% và nguy cơ tử vong sớm cao hơn 21%. Mặt khác, người trưởng thành có nồng độ natri huyết thanh nằm trong khoảng từ 138 đến 140 mmol/l có nguy cơ mắc bệnh mạn tính thấp nhất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hydrat hóa hiệu quả có thể làm chậm quá trình lão hóa, điều này cũng phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước đây. Trước đó, một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng việc thiếu nước thường xuyên làm tăng natri huyết thanh ở chuột lên 5mmol/l và rút ngắn tuổi thọ của chúng xuống 6 tháng, tương đương với khoảng 15 năm tuổi thọ của con người.

Natalia Dmitrieva, một trong các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh: "Hàm lượng nước trong cơ thể giảm là yếu tố phổ biến nhất làm tăng natri huyết thanh. Đó là lý do tại sao kết quả nghiên cứu cho thấy việc giữ đủ nước có thể làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh mạn tính".

Ảnh minh họa.

Theo Cleveland Clinic, hơn 50% cơ thể chúng ta được tạo thành từ nước, nước cũng cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm tiêu hóa thức ăn, tạo ra hormone và chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời cung cấp oxy đi khắp cơ thể bạn.

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về lượng nước trung bình cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày ở người trưởng thành như sau:

- Đối với nam giới: Cần cung cấp cho cơ thể khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày.

- Đối với nữ giới: Cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày

Một số chuyên gia về sức khỏe lại cho rằng bạn cần uống nước nhiều lần trong suốt cả ngày kể cả khi bạn không khát. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Các hoạt động thể lực như lao động hoặc chơi thể thao. Đây đều là những hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Do đó lượng nước mất đi lớn hơn so với những người không tham gia các hoạt động này nên dĩ nhiên lượng nước cần cung cấp cho cơ thể cũng vì thế mà tăng cao.

- Môi trường: Môi trường cũng ảnh hưởng nhiều đến lượng nước bạn cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày. Trong thời tiết nóng ẩm mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn khiến lượng nước cần bổ sung cũng lớn hơn.

- Tình trạng sức khỏe của cơ thể: Trong các trường hợp như tiêu chảy, nôn mửa, sốt... cơ thể bạn sẽ mất rất nhiều nước và các chất điện giải. Vì thế cần liên tục bổ sung nước, tốt nhất là dung dịch oresol để bù lại lượng nước và điện giải bị mất đi.