Nên và không nên làm gì để trẻ ngủ ngon?
Tiến sĩ Anna, Phát ngôn viên Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ, chia sẻ: "Giấc ngủ tốt là liều thuốc kháng bệnh hoàn hảo cho mọi đứa trẻ".
Giấc ngủ giữ vai trò rất trọng trong giai đoạn phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên, nhiều lúc trẻ không chịu ngủ, việc hù dọa ma hoặc ông kẹ để trẻ ngủ có nên không?
Mối liên quan giữa melatonin và giấc ngủ của trẻ
Melatonin là một hợp chất tự nhiên được sản xuất tại não để báo hiệu cơ thể chúng ta đến giờ ngủ.
Cơ thể cần melatonin giúp chúng ta rơi vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu melatonin bị ức chế hoặc bị cản trở, cơ thể người lớn và trẻ em có thể khó ngủ hoặc khó nhắm mắt.
Giấc ngủ tối hay giấc ngủ sáng?
Một sự quan tâm của nhiều cha mẹ là: Nên để phòng trẻ sáng đèn hay để tối khi ngủ?
Đôi mắt của trẻ nhỏ cho phép ánh sáng đi vào nhiều hơn người lớn. Điều này làm trẻ nhạy cảm với ánh sáng hơn.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Lameese, Đại học Colorado (Mỹ), cho biết: Ánh sáng có thể ảnh hưởng đến quá trình giải phóng melatonin, cản trở cơ thể trẻ vào giấc ngủ thư giãn hơn.
Với những nghiên cứu hiện tại, ánh sáng xanh từ màn hình của những thiết bị điện tử như điện thoại, ipad... có bước sóng ánh sáng ảnh hưởng đến sự giải phóng melatonin cao nhất. Trẻ xem các thiết bị này trên giường sẽ cản trở cơ thể phân biệt ngày-đêm, lâu dần ảnh hưởng đến quá trình ngủ lâu dài của trẻ.
Lời khuyên về giấc ngủ và ánh sáng
Trẻ nhỏ nên được cho ngủ tối để giúp cơ thể trẻ sản xuất tốt melatonin và đạt được trạng thái thư giãn.
Trẻ nên tránh tiếp xúc ánh sáng từ các thiết bị điện tử trước 1 giờ so với giờ ngủ để ngăn ngừa sự khó ngủ và làm xáo trộn về giấc ngủ lâu dài.
Trong phòng ngủ của trẻ, không nên có các thiết bị điện tử có màn hình như điện thoại, ipad, vi tính... Những tin nhắn vô tình gửi đến trong đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Lời khuyên cho trẻ sợ bóng tối
Giường ngủ của trẻ không nên có những con thú bông lớn, giấy dán hình bóng. Những vật dụng này khi có ánh đèn chiếu vào có thể gây cản và tạo một hình ảnh giả lọt vào mắt trẻ dễ gây thức giấc, đặc biệt với các bé sợ bóng tối.
Cha mẹ có thể dành thời gian nằm ngủ cùng trẻ với ánh đèn nhỏ một thời gian khoảng từ 1-2 tuần. Khi trẻ chuẩn bị ngủ, bạn có thể tắt đèn. Điều này có thể làm trẻ quen với sự biến mất của ánh đèn khi thức dậy.
Sang bước 2, bạn không ngủ, mà chỉ nằm đọc sách cùng với trẻ khoảng 30 phút trong ánh đèn lớn, sau đó nói "Mẹ sẽ tắt đèn lớn nhé! Chúc con ngủ ngon! Mẹ để đèn nhỏ cho con một lúc nhé!".
Sau đó, bạn hãy tắt đèn lớn, bật đèn nhỏ. Một tiếng sau, bạn hãy tắt đèn nhỏ. Bước này hơi mất công nhưng cho trẻ thời gian để kiểm soát bóng tối. Chỉ một thời gian khoảng 3-4 tuần, trẻ kiểm soát tốt thì không còn sợ bóng tối nữa.
Khi đi qua chỗ tối, trẻ có thể sợ không dám đi hoặc nép vào chân bạn. Bạn nên nắm tay trẻ, không cần trấn an, vẫn nói chuyện bình thường và bước đi. Khi vừa đến chỗ sáng, bạn quay lại bé mà nói rằng: "Mẹ con mình vừa đi qua chỗ sáng hơn, chỗ vừa rồi chỉ tối hơn chỗ này thôi".
"Con biết có cách nào làm chỗ này bị tối không?" Hãy đợi bé trả lời. Dù bé có trả lời hay không, bạn cũng có thể chỉ bé 1 trò vui để làm, cụ thể:
- Con dùng bàn tay che 2 mắt mình lại nhé, con thấy gì không nào?
- Không thấy gì đúng không con? Vậy con hé hé một ngón tay thử xem. Hơi tối một tí, nhưng con có thấy gì không nè? Thử bước đi cùng mẹ nhé! Đợi bé trả lời.
- Sau đó, con hãy hé dần những ngón tay và đi thử xem! Đúng rồi! Nếu lần sau con đi qua chỗ tối, nếu thấy sợ con hãy chơi trò này cùng mẹ. Con có thể dùng tay che và nhìn qua kẽ hở để đi, đồng ý không? Mẹ chắc chắn con sẽ đi tới được ánh sáng. Chúng ta sẽ cùng chơi trò đó mỗi khi đi qua bóng tối nhé!
Cha mẹ có nên "dọa ma" để trẻ chịu đi ngủ?
Theo Giáo sư Gilmore, Đại học New York (Mỹ), trong phát triển nhận thức trẻ từ 2.5 tuổi bắt đầu chia làm 2 nhóm tương ứng với từng trải nghiệm mà trẻ trực tiếp tham gia vào thực hiện.
Nhóm 1 gồm những trải nghiệm vui vẻ, đạt được. Trong khi nhóm 2 là những trải nghiệm khó hiểu, chưa giải thích được. Nỗi sợ cũng có thể bắt nguồn từ đây. Trẻ phát triển điều này để học và kiểm soát nỗi sợ. Do đó, nỗi lo sợ này cũng được gọi là kích thích tích cực.
Trải nghiệm được gán ép, không tạo nên nỗi lo sợ mà sẽ hình thành sự lo lắng ở trẻ. Lo lắng về một thứ mà trẻ chưa trải nghiệm. Nỗi lo sợ từ trải nghiệm là có làm có thất bại, còn sự lo lắng thường là sự tưởng tượng.
Ví dụ, tôi nói: "Tôi sợ thuyết trình bởi vì tôi chưa chuẩn bị tốt để nói trước đám đông, tôi quên lời..." sẽ khác khi bạn nói "Tôi lo lắng thuyết trình", bạn chưa có trải nghiệm, mà chỉ là tưởng tượng một viễn cảnh tồi tệ.
Lo lắng thường do ai đó gán ép cho bạn, không phải trải nghiệm của bạn. Hù ma, dọa ông kẹ để trẻ ngủ là một trong những sự gán ép vô tình của cha mẹ để trẻ tự rơi vào lo lắng một cách tưởng tượng.
Ví dụ: Trẻ chưa ngủ, vẫn ngồi chơi mặc dù đã 11 giờ tối. Người mẹ biết cách làm đứa trẻ phải nằm xuống ngủ ngay khi thỏ thẻ vào tai cậu câu này: "Mẹ ngủ đây, con chơi 1 mình, không sợ à!". Cậu bé liền nằm xuống và nhắm mắt ngủ. Vậy bạn nghĩ người mẹ này thật giỏi, đã có cách trị cậu bé.
Tuy nhiên thực tế, người mẹ mỗi đêm đã cho trẻ một câu "thần chú" không hề có ích, ngoài việc làm trẻ ngoan ngoãn ngủ sớm hơn. Đứa trẻ sẽ mang cảm giác lo lắng vào giấc ngủ khiến giấc ngủ của trẻ không thực sự thư giãn như vốn có của nó.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...