Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo như nôn, mất nước, rối loạn điện giải .

Đây là tình trạng thường gặp , do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, ngộ độc thực phẩm hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, bệnh celiac…

Nguyên tắc điều trị cần được ưu tiên là bù nước và các chất điện giải.

1. Nguyên tắc chọn thức ăn khi bị tiêu chảy

  • Bắt đầu với thức ăn nhạt ăn với lượng vừa phải, tránh thức ăn béo, ngọt hoặc cay.
  • Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa làm giảm lượng chất cặn bã, chất thải khó tiêu.
  • Tăng lượng thức ăn giàu tinh bột : gạo, chuối, bánh mì, khoai tây gọt vỏ...
  • Chọn thực phẩm có chứa chất xơ hòa tan có trong đậu, yến mạch, trái cây đã gọt vỏ và rau nấu chín giúp hấp thụ nước trong ruột và làm cho phân cứng hơn.
  • Hạn chế chất xơ không hòa tan có trong vỏ của trái cây và rau sống, ngũ cốc nguyên hạt và cám lúa mì vì có thể đẩy nhanh phân khi đi qua ruột và làm trầm trọng hơn triệu chứng tiêu chảy.
  • Uống ít nhất một ly nước sau mỗi lần đi tiêu lỏng. Nên uống nước ở nhiệt độ thường, tránh quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Hạn chế các loại đồ uống có nhiều đường.

2. Một số món ăn dành cho người bị tiêu chảy

2.1 Cháo muối

Ăn cháo giúp dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa . Một số nghiên cứu gần đây cho thấy lượng phân và số lần tiêu chảy giảm rõ rệt khi sử dụng gạo trong các món ăn.

- Nguyên liệu: Gạo: 50g, muối: 3,5g, nước lọc: 1000ml

- Cách nấu: Cho các nguyên liệu vào đun đến khi nhừ. Để có thêm hương vị, có thể sử dụng nước dùng gà, thịt heo hoặc thịt bò đã bỏ mỡ.

Cháo muối giúp dễ tiêu hóa, tốt cho người bị tiêu chảy.

2.2 Cháo gừng

Gừng là một vị thuốc có tính ấm, vị cay giúp hỗ trợ các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy. Nhờ hoạt chất phytochemical, gừng giúp giảm đau, chống viêm, ngăn ngừa co thắt tiêu hóa, giảm tần suất đi ngoài và dịu cơn đau do tiêu chảy. Không những thế, gừng còn có thể hỗ trợ chống nhiễm trùng liên quan đến tiêu chảy, đồng thời giúp điều trị các nguyên nhân mạn tính gây tiêu chảy .

- Nguyên liệu: 50g gạo trắng, 20g gừng già, muối, nước lọc.

- Cách chế biến:

  • Rửa sạch gừng, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn.
  • Vo gạo, chắt ráo nước.
  • Cho gạo vào nồi, đổ thêm 2 chén nước và nấu thành cháo trong vòng 15 – 20 phút.
  • Khi cháo chín, cho gừng vào nồi và nấu đến khi gừng mềm ra. Nêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Cháo gừng tốt cho người bệnh tiêu chảy.

2.3 Cháo bí đỏ, thịt gà

Đối người bị tiêu chảy, việc bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng và nước là điều rất cần thiết. Trong đó, thịt gà là một trong những lựa chọn tốt khi đường tiêu hóa bị tổn thương. Bởi thịt à chứa hàm lượng protein cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng mà không gây hại cho dạ dày. Vì vậy, dùng gà nấu cháo sẽ giúp nhanh phục hồi sức khỏe hơn.

- Nguyên liệu: 50g bí đỏ, 50g thịt gà, 80g gạo tẻ, gia vị nêm

- Cách chế biến:

  • Thịt gà băm nhỏ, ướp qua với một chút hạt nêm, mắm.
  • Bí đỏ rửa sạch, thái lát nhỏ, đem hấp chín và sau đó tán nhuyễn.
  • Gạo vo sạch và hầm cho đến khi chín.
  • Cho gà vào chảo và đảo đều đến khi thịt gà chín tái.
  • Cho hỗn hợp thịt gà, bí đỏ vào nồi cháo đã ninh chín. Nêm các gia vị cho vừa ăn và hợp với khẩu vị.
Cháo bí đỏ thịt gà phù hợp với người bị tiêu chảy.

2.4 Nước gạo rang

- Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, nước 1 lít.

- Cách chế biến: Cho gạo vào chảo rang cùng ít muối. Khi gạo chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì cho vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ rồi lọc lấy nước uống dần.

2.5 Chuối

Chuối nhạt và dễ tiêu hóa là một lựa chọn tốt để giải quyết tình trạng rối loạn tiêu hóa. Đây cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào, một chất điện giải quan trọng có thể bị mất đi khi bạn bị tiêu chảy, cũng như là một nguồn giàu chất xơ hòa tan pectin.

Chuối là thực phẩm tốt cho người bị tiêu chảy

2.6 Nước uống

Bạn có thể uống nước, trà loãng hoặc nước khoáng để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước.

Các loại nước khác mà bạn có thể bổ sung như: Nước dừa , nước dùng gà hoặc nước dùng thịt bò đã loại bỏ dầu mỡ

Lưu ý:

  • Nên tránh uống sữa, cà phê, nước trái cây hoặc rượu vì có thể kích thích tiêu chảy.
  • Mặc dù nhiều trường hợp tiêu chảy có thể được điều trị tại nhà bằng cách bù nước, nghỉ ngơi và dinh dưỡng, nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn 02 ngày mà không cải thiện, bạn cần đi khám bác sĩ.