Đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa có thể giúp tránh hôi miệng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn bị hôi miệng thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
 
Các nha sĩ và nhà vi khuẩn học không cho rằng vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân chính gây hôi miệng nghiêm trọng. Nguyên nhân số một gây ra hôi miệng kinh niên, dai dẳng là thiếu nước và khô miệng.
 
Khi bên trong miệng bị khô do cơ thể thiếu nước sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn đến hôi miệng. Nếu bạn bị hôi miệng vào mỗi buổi sáng do thói quen ngủ há miệng cũng không gây hại cho sức khỏe. Bởi vì nó có thể được giải quyết chỉ bằng cách đánh răng vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu tình trạng hôi miệng kéo dài cả ngày sau khi đánh răng, bạn nên kiểm tra xem có vấn đề về sức khỏe nào khác không.

Hơi thở có mùi như sữa bị chua

Bạn có thể mắc chứng không dung nạp lactose. Tình trạng này có thể kèm theo buồn nôn hoặc tiêu chảy. Khi cơ thể không phân hủy protein sữa đúng cách, hơi thở có thể tạo mùi chua.

Miệng bị khô và có mùi

75% trong số những người uống thuốc kê đơn tại bệnh viện như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine và thuốc cao huyết áp đều có tác dụng phụ là làm khô miệng.
 
Nếu bạn ngửi thấy mùi hôi miệng sau khi sử dụng những loại thuốc này, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đã kê đơn loại thuốc đó. Bạn có thể đổi loại thuốc hoặc có thể làm giảm mùi hôi miệng bằng cách nhai kẹo cao su không đường hoặc uống nhiều nước.

Hơi thở có mùi như long não

Nếu bạn mắc bệnh mãn tính ở vùng xoang mũi như dị ứng, viêm xoang và hội chứng chảy dịch mũi sau thì vi khuẩn sống trong miệng sẽ chuyển hóa protein thành một chất gọi là scatol.

Scatol là thành phần có mùi hôi. Trong trường hợp này, bạn có thể giảm mùi bằng cách kê đơn thuốc dị ứng thích hợp tại bệnh viện, sử dụng dụng cụ khử trùng xoang hoặc sử dụng thuốc kháng sinh.

Hơi thở có mùi ngọt của trái cây

Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi ngọt trái cây trong miệng, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Đường theo dòng máu đi vào các tế bào và được sử dụng để tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu cao, quá trình này không hoạt động bình thường và các tế bào sẽ sử dụng chất béo để tạo năng lượng thay vì sử dụng đường trong máu.
 
Các hợp chất hữu cơ được gọi là xeton (một sản phẩm phụ được hình thành trong quá trình này) tạo ra mùi trái cây. Nếu bạn nhận thấy có mùi trái cây trong miệng, bạn nên đo lượng đường trong máu và kiểm tra xem bạn có bị bệnh tiểu đường hay không.

Hơi thở có mùi như thứ gì đó bị thối rữa

Nguyên nhân có thể là từ thực phẩm bạn ăn. Thực phẩm có thể phân hủy trong miệng và sản sinh ra mùi thối nếu bạn không đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa để loại bỏ chúng. Vệ sinh răng miệng kém làm tăng nguy cơ sâu răng hoặc bệnh nướu răng, 2 yếu tố khác cũng gây mùi khó chịu. Vì vậy, bạn nên sử dụng nước súc miệng khử trùng.

Nếu bạn có mùi hôi trong miệng, đó có thể là sỏi amidan đã tạo thành hạt trên amidan. Viêm amidan sẽ tạo cảm giác ngứa hoặc nhột ở cổ họng.
 
Khi bạn đánh răng cũng xuất hiện những hạt màu vàng có kích thước bằng hạt gạo. Nếu các triệu chứng này kèm theo hơi thở có mùi hôi thì khả năng bạn đã bị sỏi amidan và cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán.