Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM)

Mọi người nên đi khám nếu có các triệu chứng đau lưng sau:

  • Đau lưng kèm sốt và ớn lạnh.
  • Cơn đau trở nặng vào ban đêm hay đau lan xuống bụng dưới.
  • Đau lưng ở người trên 50 tuổi hay nhỏ hơn 20 tuổi hay người từng bị ung thư.
  • Cơn đau dai dẳng kèm cảm giác tê và yếu liệt chân.
  • Bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ.
  • Đau lưng sau một chấn thương nặng hoặc đau lưng không khỏi sau 2 tuần.

Để tránh đau lưng, mọi người nên phối hợp thay đổi các thói quen trong sinh hoạt (làm việc, hoạt động, ngủ nghỉ) cũng như chế độ ăn uống.

  • Chú ý tư thế khi nâng vác vật nặng: Khi nâng vác vật nặng, mọi người nên bắt đầu ở tư thế ngồi xổm, giữ thẳng lưng và ngẩng đầu lên. Khi đứng dậy, hãy dùng chân trụ để nâng vật, lưng vẫn luôn giữ thẳng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Kiểm soát tốt cân nặng sẽ giúp giảm áp lực đáng kể lên cột sống, hạn chế tổn thương tiến triển (nếu có).
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D sẽ tốt cho cơ, xương, khớp. Chế độ ăn uống lành mạnh tránh tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực lớn lên cột sống.
  • Chọn nệm ngủ: Nệm ngủ cần đảm bảo nâng đỡ tốt cột sống, đặc biệt vùng vai và mông trong khi ngủ, cột sống phải được giữ thẳng. Nệm phải có độ mềm vừa phải, không quá cứng hoặc quá mềm. 
  • Chú ý tư thế khi làm việc cho nhân viên văn phòng: Nhóm người này cần giữ tư thế ngồi đúng (giữ thẳng lưng, bàn làm việc phù hợp với chiều cao để tránh tình trạng gập lưng hoặc cúi quá mức cột sống cổ khi làm việc, vị trí ngồi nên có chỗ tựa lưng). Ngoài ra, những người này cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế, sau 60 phút ngồi nên đứng lên di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng tại chỗ. 
  • Thay đổi thói quen hoạt động: Mọi người nên dành 30 phút để vận động cơ thể mỗi ngày, ưu tiên thực hiện những bài tập cơ bụng và cơ lưng, bài tập sức mạnh cho cơ chân để nâng cao sức khỏe cột sống.