Bệnh tiểu đường có thể gây hại tới tim, thận và nhiều cơ quan khác trong cơ thể khi không được điều trị sớm. Ảnh minh họa: Heartfoundation.

Bệnh tiểu đường là căn bệnh thầm lặng với các triệu chứng thường bị bỏ qua trong giai đoạn đầu. Ở bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát trong thời gian dài, nó có thể dẫn đến các biến chứng tiểu đường nghiêm trọng. Điều này có thể bao gồm tổn thương các chức năng quan trọng của cơ thể.

Tim

Theo India Times, có mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt và bệnh tim. Trên thực tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ bị đột quỵ và bệnh tim cao gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến huyết áp cao - đây là tình trạng liên quan đến mức cholesterol cao, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Thận

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể làm hỏng các đơn vị lọc nhỏ trong thận dẫn đến suy thận.

Những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Dấu hiệu đầu tiên của tổn thương thận là lượng protein cao trong nước tiểu. Sau đó có thể là các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa, buồn nôn và giữ nước.

Mắt

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh của mắt. Lượng đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu trong mắt. Điều này dẫn đến sự hình thành các mạch máu mới trong mắt. Tuy nhiên, các mạch máu mới được hình thành rất yếu và dễ bị rò rỉ hoặc vỡ chất lỏng. Tình trạng bệnh lý này được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường.

Tổn thương thần kinh

Tác động của bệnh tiểu đường lên dây thần kinh là vấn đề nghiêm trọng. Điều này là do dây thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp các chức năng quan trọng của cơ thể. Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương dây thần kinh và dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên.

Các dấu hiệu tổn thương dây thần kinh bao gồm cảm giác tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay, chậm làm rỗng dạ dày và các vấn đề về lưu thông máu (chuột rút thường xuyên).

Bệnh tiểu đường cũng gây tổn thương cho các dây thần kinh ở bàn chân, thường dẫn đến giảm cảm giác ở bàn chân. Người bị tiểu đường có thể không cảm thấy vết cắt hoặc vết loét ở bàn chân. Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh ở bàn chân cũng có nghĩa là bàn chân sẽ nhận được ít oxy và máu hơn, do đó, mất nhiều thời gian hơn để lành lại. Tình trạng này được gọi là bàn chân tiểu đường.

Tiêu hóa

Bệnh tiểu đường và thuốc điều trị bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa theo nhiều cách. Tổn thương thần kinh có thể dẫn đến táo bón, tiêu chảy và buồn nôn. Thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 cũng gây ra các vấn đề về tiêu hóa, tình trạng này sẽ giảm dần khi cơ thể đã quen với thuốc.

Đời sống tình dục

Các chuyên gia chỉ ra gần 75% nam giới và 35% phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cũng bị rối loạn chức năng tình dục. Nguyên nhân là bệnh thần kinh tiểu đường tức là tổn thương thần kinh, kích thích phản ứng tình dục.

Biến chứng trong thai kỳ

Lượng đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai có thể góp phần làm tăng cân ở thai nhi. Điều này dẫn đến các vấn đề trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, trẻ em tiếp xúc với lượng đường trong máu cao trong tử cung có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.