Rút xương, tách thịt

Muốn hầm chân giò nhanh mềm, bạn có thể rút hết xương trước khi nấu. Cạo hết lông ở chân giò rồi rửa với nước muối để chân giò không bị hôi. Sau đó, tìm chỗ tiếp giáp giữa 2 khối bắp chân giò, dùng kéo hoặc dao nhọn để lọc phần thịt tách ra khỏi xương.

Khéo léo tách để các phần bắp thịt không bị rời ra.

Đặt một nồi nước lên bếp. Khi nước sôi thì thả chân giò vào trụng sơ để loại bỏ váng bẩn, khử mùi hôi.

Tùy thuộc vào cách chế biến và yêu cầu của món ăn mà bọn có thể chọn rút xương hoặc không. Thông thường, các món canh từ chân giò sẽ không áp dụng cách lọc xương mà chỉ cần chặt miếng vừa ăn là được.

Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng nồi áp suất

Với khả năng nấu chín thực phẩm nhanh của nồi áp suất, thì hầm chân giò bằng nồi áp suất là cách làm giúp bạn tiết kiệm thời gian chế biến hiệu quả nhất.

Nồi áp suất sẽ hầm chín chân giò bạn trong khoảng 40 - 50 phút với lửa nhỏ. Sau thời gian hầm, bạn có thể kiểm tra thịt chín bằng cách ghim đũa vào, nếu thịt không có vệt đỏ, thì chân giò đã chín.

Chân giò hầm bằng nồi áp suất sau chín thì mềm, nhưng lại không bị quá nhừ mà vẫn giữ được săn chắc trong từng miếng thịt.

Ảnh minh họa: Internet

Rã đông trước khi nấu

Nhiều chị em thường có thói quen để chân giò trong ngăn đá tủ lạnh để ăn dần. Khi chế biến lại chỉ mang từ ngăn đá ra để hầm ngay, khiến chân giò lâu chín hơn. Nguyên nhân là bởi khi lấy chân giò ra khỏi ngăn đá, mỡ và da và những collagen có trong chân giò đang ở trạng thái cứng, khi luộc lên sẽ mất thêm rất nhiều thười gian để làm tan đông lạnh rồi mới chín mềm được thịt.

Bởi vậy, trước khi ninh chân giò, bạn nên rã đông chân giò trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất khoảng nửa ngày đến một ngày. Sau đó bạn để chân giò ra ngoài khoảng nửa giờ đồng hồ trước khi đem hầm. Nhờ đó, thời gian hầm chân giò sẽ được giảm bớt mà chân giò lại nhanh mềm, giữ được hương vị.