Vòng eo to bất thường dù không tăng cân có thể là dấu hiệu cần cẩn trọng. Ảnh minh họa: Medium.

Kích thước của một số bộ phận trên cơ thể có thể phản ánh phần nào về sức khỏe và tuổi thọ của bạn. Một số bộ phận nếu có kích thước phình to hơn bình thường hoàn toàn có thể là dấu hiệu sức khỏe đang đi xuống.

Vòng eo

Vòng eo to hơn cảnh báo cơ thể tích tụ nhiều chất độc và chất béo. Tình trạng này cũng làm tăng gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ tăng cao hơn ở nam giới có số đo vòng eo trên 94 cm và phụ nữ là trên 80 cm. Nguy cơ này tăng đáng kể với nam giới có vòng eo trên 102 cm, nữ giới là 88 cm. Bụng dưới to ra kèm dấu hiệu đau âm ỉ, ra dịch lạ có thể cảnh báo ung thư buồng trứng ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Cổ

Theo Care Hospitals (Ấn Độ), sưng cổ đề cập đến sự tích tụ chất lỏng và tình trạng viêm có thể nhìn thấy được trong các mô ở cổ. Nó xảy ra khi các hạch bạch huyết ở cổ sưng to do nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn gây ra, bao gồm các tình trạng như nhiễm trùng tai, viêm xoang, nhiễm khuẩn, sởi, viêm họng, viêm amiđan.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, cổ to, dày hơn cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lao, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sốt mèo cào, lupus ban đỏ. Đặc biệt, một số bệnh ung thư cũng là nguyên nhân gây sưng cổ, xuất hiện dưới dạng khối u ở cổ, bao gồm:

  • Ung thư tuyến giáp
  • Ung thư gan, phổi, vú và họng
  • Bệnh bạch cầu
  • Ung thư mô đầu cổ
  • Một số dạng ung thư da.

Chân

Theo WebMD, chân chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Khi tế bào ung thư lan trong cơ thể, mạch máu và dây thần kinh ở chân bị ảnh hưởng, tắc nghẽn, dẫn đến hiện tượng chân bị phù. Thông thường, các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, tuyến tụy hoặc khối u phụ khoa gây ra tình trạng này.

Các vấn đề về tim mạch như suy tim sung huyết, cục máu đông trong tĩnh mạch... cũng có thể khiến tim quá yếu không bơm đủ lượng máu mà cơ thể cần. Nó dẫn đến sự tích tụ chất lỏng, đặc biệt là ở chân của bạn.

Ngoài ra, những người bị bệnh thận cũng gặp tình trạng này khi thận không hoạt động bình thường. Thay vì lọc nước và chất thải từ máu, chất lỏng sẽ tích tụ trong cơ thể, gây sưng tấy ở tay và chân.

 
Một số bệnh về tim mạch, thận... có thể gây ra tình trạng chân sưng lên, to hơn bình thường. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Mắt cá chân

Theo Healthline, mắt cá chân bị to ra thường liên quan đến phù nề. Nó có thể là do chức năng thận suy yếu, dẫn đến giữ nước và muối trong cơ thể. Ngoài ra, nếu mắt cá chân thường bị sưng phù vào chiều tối, điều này liên quan đến bệnh tim, đặc biệt là suy tim. Do khả năng cung cấp máu của tim bị giảm, ảnh hưởng nước lưu thông, điều này dẫn đến chi dưới dễ xuất hiện phù nề.

Một căn bệnh ở gan - chẳng hạn viêm gan hoặc xơ gan - có thể ngăn chặn việc sản xuất một loại protein quan trọng gọi là albumin. Nếu không có đủ albumin, quá nhiều chất lỏng có thể rò rỉ ra khỏi mạch máu và vào các mô xung quanh. Kết quả là mắt cá chân, bàn chân, bàn tay và mặt của bạn có thể sưng lên.

 

Ngón tay dùi trống cảnh báo cơ thể mắc một số bệnh lý. Ảnh: bestlpsm.

Ngón tay

Thông thường, bàn tay và các ngón tay sẽ to hơn một chút nếu bạn béo lên. Tuy nhiên, nếu cân nặng vẫn không thay đổi, bạn thấy ngón tay sưng nhẹ, bì to lên hơn bình thường, đó có thể là tình trạng ngón tay dùi trống. Điều này có thể liên quan mật thiết đến các vấn đề về phổi và tim mạch, theo Medical News Today.

Người bị xơ gan, ung thư trực tràng, thực quản và các bệnh về đường tiêu hóa cũng có thể gặp phải tình trạng ngón tay dùi trống.

Nhiều loại viêm khớp có thể gây sưng khớp, chẳng hạn ở ngón tay. Viêm khớp vảy nến có thể khiến toàn bộ ngón tay sưng tấy, trong khi viêm xương khớp thường chỉ ảnh hưởng đến các khớp ngón tay. Bệnh gout cũng là tình trạng viêm khớp thường liên quan đến ngón chân cái, nhưng có thể gây sưng ngón tay nếu các tinh thể axit uric hình thành xung quanh các đốt ngón tay.

Tin liên quan