Bác sĩ Bùi Đức Thắng và bác sĩ Phạm Thị Xuân Diệu, Phòng tiêm vaccine, Bệnh viện Quân y 175
Human papillomavirus (HPV) là một trong các loại virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Trên toàn thế giới, ước tính có 620.000 ca ung thư mới ở phụ nữ và 70.000 ca ung thư mới ở nam giới là do HPV gây ra vào năm 2019.
HPV có khả năng lây truyền cao qua tiếp xúc da kề da, khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người nhiễm virus (ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hầu như tất cả người có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.
Các biểu hiện của người nhiễm virus HPV
Hiện nay, có hơn 200 type HPV đã được phát hiện. Đa số người nhiễm sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có vài type HPV sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Dựa trên mức độ liên quan đến ung thư, HPV lây truyền qua đường tình dục được phân thành hai nhóm: nguy cơ thấp và nguy cơ cao.
Các type HPV nguy cơ thấp: Bao gồm type 6, 11, 42, 43 và 44 có thể gây ra mụn cóc trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng hoặc cổ họng gây đau, ngứa, chảy máu hoặc sưng hạch. Trong đó, type 6 và 11 là nguyên nhân gây ra khoảng 90% các ca mụn cóc sinh dục.
Các type HPV nguy cơ cao: Bao gồm type 16, 18, 31, 33, 34, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68 và 70 có thể gây ung thư ở cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn, vùng miệng – họng. Trong đó, HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung, 20% là do các type 31, 33, 45, 52, 58.