Huyết áp cao nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây tổn thương tim mạch. Ảnh minh họa: Onewelbeck.

Tăng huyết áp hay huyết áp cao là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Bệnh xảy ra khi lực đẩy máu vào thành động mạch liên tục ở mức cao, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Đặc biệt, huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan quan trọng như tim, thận và gan.

Tim mạch

Theo Health Shots, khi lực đẩy của máu vào thành động mạch quá cao, nó gây tổn thương cho các mạch máu của tim, khiến chúng dày, hẹp hoặc yếu hơn. Điều này có thể gây bệnh động mạch vành, tình trạng mà lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm, dẫn đến đau ngực hoặc đau tim.

Tăng huyết áp cũng gây phì đại tâm thất trái (LVH), tình trạng thành tâm thất trái phì đại và dày lên. Đây là biến chứng phổ biến của tăng huyết áp và tăng nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc đột tử do tim.

Hơn nữa, tăng huyết áp có thể dẫn đến suy tim, là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này dễ gây ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi và sưng chân.

Thận

Tăng huyết áp có thể có tác động đáng kể đến thận. Thận chịu trách nhiệm lọc các chất thải từ máu và duy trì sự cân bằng chất lỏng của cơ thể. Tuy nhiên, khi huyết áp luôn ở mức cao, nó có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, làm giảm khả năng lọc chất thải hiệu quả.

Theo thời gian, điều này dễ dẫn đến bệnh thận mạn tính (CKD) khi thận dần mất khả năng hoạt động bình thường. Tình trạng này làm tăng nguy cơ suy thận, cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Ngoài ra, tăng huyết áp cũng gây xơ cứng cầu thận, là tình trạng các cầu thận, các mạch máu nhỏ trong thận chịu trách nhiệm lọc các chất thải, bị sẹo và hư hỏng. Điều này gây ra protein niệu, tình trạng protein dư thừa được bài tiết qua nước tiểu và cuối cùng có thể dẫn đến suy thận.

Gan

Tăng huyết áp cũng ảnh hưởng đến gan. Gan chịu trách nhiệm lọc chất độc trong máu, sản xuất mật và dự trữ glucose để tạo năng lượng. Tuy nhiên, khi huyết áp luôn ở mức cao, nó tăng nguy cơ tổn thương các mạch máu trong gan, làm giảm khả năng hoạt động bình thường của gan.

Tăng huyết áp cũng tăng nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), tình trạng mỡ thừa tích tụ trong gan, gây viêm và sẹo. NAFLD có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa, tình trạng huyết áp trong tĩnh mạch cửa, dẫn máu từ cơ quan tiêu hóa đến gan, quá cao. Điều này gây tổn thương gan, chảy máu từ đường tiêu hóa và tích tụ chất lỏng trong bụng.