Viêm phổi thùy là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương tổ chức phổi như viêm ống phế nang, nhu mô phổi, túi phế nang, tiểu phế quản tận cùng. Bác sĩ Hà Thị Duyên, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, cho biết nguyên nhân gây viêm phổi thùy có thể nhiều yếu tố khác nhau nhưng chủ yếu là:
- Vi khuẩn không điển hình thường gặp nhất là Mycoplasma pneumoniae và một số loại vi khuẩn khác như liên cầu, tụ cầu...
- Virus: virus cúm, sởi, ho gà...
- Ký sinh trùng
Theo bác sĩ Duyên, người dễ mắc viêm phổi thùy là trẻ em, người già, mắc các bệnh mạn tính, giảm miễn dịch, nghiện rượu, suy dinh dưỡng hoặc từng bị các bệnh phổi trước đó (viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, hen phế quản). Trong đó, trẻ em chiếm đa số.
Bệnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, chủ yếu là khi thời tiết giao mùa và gặp nhiều nhất vào mùa đông xuân. Lúc này, tỷ lệ trẻ em và người cao tuổi mắc bệnh cao.
Những triệu chứng của viêm phổi thùy được biểu hiện qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn khởi phát
Thường ở giai đoạn này, bệnh viêm phổi thùy không biểu hiện các triệu chứng điển hình. Bệnh thường xuất hiện ngột với các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ C, rung mình, rét run, có thể kèm rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn. Trẻ nhỏ có thể lên cơn co giật toàn thân và kèm theo một số biểu hiện như viêm long đường hô hấp trên như sốt, ho nhẹ, chảy nước mũi...
Giai đoạn toàn phát
Sau 2-3 ngày, trẻ sốt cao 39-40 độ C, khó ngủ, mệt mỏi, khó chịu, có thể co giật toàn thân, tím tái, khó thở. Các triệu chứng hô hấp ngày càng nặng hơn. Trẻ ho nhiều, ho từng cơn, ho khan có thể có đờm. Bé bắt đầu cảm thấy đau, tức ngực, có biểu hiện tím tái, nhịp thở nhanh, li bì.
Ở giai đoạn này, nếu được khám lâm sàng sẽ cho thấy trên phim chụp X-quang phổi xuất hiện những đám mờ với hình thể khác nhau. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao.
Viêm phổi thùy nếu không được điều trị kịp thời thường có những biến chứng như xẹp thùy phổi, áp-xe, tràn dịch màng phổi; viêm mủ màng phổi, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm nội nhãn, viêm phúc mạc, viêm khớp nhiễm khuẩn...
Vì vậy, để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải:
- Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng, các đợt cấp viêm phế quản mạn tính.
- Ăn uống đầy đủ nâng cao thể trạng, tránh nhiễm bệnh.
- Hạn chế rượu bia, không sử dụng các chất có hại như thuốc lá, thuốc lào...
- Giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ, ngực trong mùa lạnh, thời điểm giao mùa.
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ các loại virus, vi khuẩn phế cầu...
Bệnh viêm phổi thùy hiện nay được điều trị bằng kháng sinh rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.