Các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch (TP.HCM) cho biết suy giãn tĩnh mạch chân là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh.

Bệnh có các triệu chứng như: đau nhức chân, nặng, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa, co cứng hay chuột rút về đêm. Các triệu chứng này tăng lên khi người bệnh đứng lâu hay ngồi lâu, phụ nữ đến ngày đèn đỏ, mang vác nặng, gặp thời tiết nóng bức...

Ở phụ nữ sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, nguy cơ bị suy tĩnh mạch càng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì có liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch, xuất phát từ yếu tố ít vận động và những vấn đề kèm theo của người béo phì.

 Suy giảm tĩnh mạch để lâu có thể gây tử vong? (Ảnh minh hoạ)

Bệnh giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

"Suy giãn tĩnh mạch chân nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại những hậu quả từ nhẹ tới nghiêm trọng", bác sĩ Nam cảnh báo.

Ở mức nhẹ, chân bệnh nhân sẽ sưng phù, gây ảnh hưởng tới cuộc sống. Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch dễ nhầm lẫn là bệnh của xương khớp hay của thần kinh ngoại biên khi người bệnh bị đau và đi lại khó khăn.

Bệnh tiến triển nặng có thể hình thành các cục huyết khối, cục máu đông di chuyển vào phổi gây tắc  và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

PGS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, để điều trị bệnh hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng cấp độ bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, điều trị bằng cách thay đổi lối sống, uống thuốc và mang vớ ép chân. Khi có những tĩnh mạch giãn với kích thước nhỏ có thể chích xơ.

Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, cần phải điều trị tích cực, phối hợp nội khoa và ngoại khoa. Nếu áp dụng phương pháp không phù hợp này, bệnh có thể sẽ nặng hơn, có hại cho sức khỏe và tốn kém.

Bệnh suy giảm tĩnh mạch trở nặng có thể gây tử vong. (Ảnh minh hoạ)

Cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch

Để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân, vị chuyên gia khuyến cao nên hạn chế các thói quen đứng lâu, ngồi lâu. Nên đứng lên đi lại sau 30 phút ngồi hoặc nếu đứng lâu thì phải ngồi nghỉ một chút. Trong thời gian nghỉ có thể tập các bài thể dục giữa giờ, điều này rất tốt cho cơ thể và sức khoẻ tim mạch.

Người bị béo phì nên giảm cân.

Không nên mặc quần áo bó sát, chật, không nên đi giày cao gót.

Nếu có các triệu chứng cảnh báo như đau ở bắp chân sau, hay mỏi chân, có dấu hiệu chuột rút vào ban đêm, nên đi khám chuyên khoa tim mạch, tĩnh mạch để loại trừ nguy cơ dãn tĩnh mạch.

Hiện nay, giãn tĩnh mạch chân có thể được chẩn đoán dễ dàng do có sự hỗ trợ của máy siêu âm và thiết bị chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chân sẽ được điều trị bằng thuốc chống viêm và các phương pháp điều trị khác để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.