Trước đây bệnh phong (bệnh cùi, hay bệnh Hansen) được coi là loại bệnh nan y không có thuốc chữa và ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần vì bị xã hội kỳ thị, lẫn sức khỏe của bệnh nhân. Lý do, những biến chứng của bệnh gây biến dạng tay chân, mất khả năng lao động. Tuy nhiên, ngày nay đã có thuốc điều trị khỏi bệnh và phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm thì không để lại di chứng.

Bệnh phong cùi là gì?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, bệnh phong cùi hay còn gọi là bệnh phong, tên khoa học là bệnh Hansen. Bệnh này do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium Leprae gây ra. Căn bệnh nhiễm khuẩn mạn tính này xuất hiện từ rất lâu và ở nhiều quốc gia. Nhưng các nước có khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới được cho là có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn.

Nếu không được điều trị, bệnh phong cùi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét da, yếu cơ, thậm chí là tổn thương hệ thần kinh, biến dạng tay chân khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tàn tật và mất khả năng lao động.

Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh phong cùi:

- Cơ thể người bệnh xuất hiện tình trạng da nổi dát, nổi mảng hay những cục có màu trắng, đỏ hoặc sẫm màu.

- Da của bệnh nhân phong cùi thường có xu hướng khô và ít tiết mồ hôi.

- Dây thần kinh ngoại vi bị tổn thương, vì thế người bệnh thường không có cảm giác đau ở những vùng da bị bệnh.

- Người bệnh có thể bị yếu cơ, teo cơ đầu chi, có thể ở cả cẳng chân và cẳng tay, liệt thần kinh hông khiến cho các chi bị biến dạng, đi lại và lao động sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí bệnh nhân có nguy cơ tàn tật.

- Khi mắc bệnh phong, người bệnh sẽ có thể gặp phải những vấn đề về thị lực, chẳng hạn như tổn thương giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa, mắt không thể nhắm kín được.

- Nghẹt mũi mạn tính, thường xuyên bị chảy máu cam.

- Bệnh nhân có thể phải đối mặt với tình trạng suy thận.

Bệnh phong cùi có lây không là băn khoăn của không ít người

Bệnh phong cùi có lây không?

Bệnh phong cùi có lây không là thắc mắc của không it người. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - bác sĩ ba liễu - khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết, bệnh phong có lây, nhưng lây rất chậm và ít lây.

Vi khuẩn gây bệnh phong tồn tại chủ yếu trong dịch tiết của đường hô hấp trên như mũi, họng và dịch tiết ở vết thương da. Vì vậy, bệnh có thể lây lan theo 2 kiểu sau.

Lây truyền qua đường hô hấp

Đối với những người mắc bệnh phong cùi nhưng chưa được điều trị, mỗi ngày, trung bình người này có thể giải phóng khoảng 100 triệu trực khuẩn phong ra ngoài thông qua đường thở và xuất tiết qua dịch tiết ở mũi họng.

Khi ra môi trường bên ngoài, vi khuẩn phong lại có thể tồn tại khá lâu, thậm chí có thể lên đến 1 - 2 tuần. Đặc biệt, môi trường càng tối ẩm, hoạt động của chủng vi khuẩn này càng mạnh. Do đó, việc tiếp xúc hay ở trong khu vực của người mắc bệnh phong lâu ngày sẽ khiến nguy cơ lây bệnh cực kì cao.

Lây truyền qua đường tiếp xúc

Bên cạnh lây nhiễm thông qua đường hô hấp, trực khuẩn phong cũng có thể lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Những người sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, bát đũa... hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh phong đều có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh phong có tốc độ tăng trưởng rất chậm. Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh là 5 năm, hay thậm chí, một số trường hợp, các triệu chứng của bệnh không xuất hiện trong 20 năm sau khi nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bệnh phong cũng rất khó lây và tỷ lệ lây nhiễm rất thấp.

Trên đây là những thông tin về bệnh phong cùi, hi vọng những thông tin trên có ích đối với bạn.