Ăn nhiều rau củ hay thức ăn thực vật nói chung là cách nhiều người đang làm để cố gắng giảm cân. Tuy nhiên, nhóm tác giả từ Trường Y tế Công cộng Havard TH Chan (Mỹ) lưu ý không phải loại rau củ nào cũng tạo nên điều đó, theo tờ Daily Mail.

Một số thành phần trong đĩa rau củ xào ngon lành của bạn nên được tính vào nhóm tinh bột tiêu thụ - Ảnh minh họa từ internet

Nhóm tình nguyện viên gồm 136.000 người dưới 65 tuổi đã được theo dõi về cân nặng, tình trạng sức khỏe và hoàn thành một bảng câu hỏi sau mỗi 2-4 năm.

Kết quả cho thấy mỗi người trung bình tăng khoảng 1,5 kg sau mỗi 4 năm và chỉ số này thường đi kèm với sự gia tăng chỉ số đường huyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy và loại rau củ mỗi người ăn dường như có tính quyết định lớn đến sự khác biệt này.

Những người hay cố làm no bản thân bằng những loại thức ăn thực vật giàu tinh bột như bắp, đậu, khoai tây... có xu hướng tăng cân và tăng vòng 2 lớn hơn những người thích ăn các loại không chứa tinh bột và nhiều chất xơ hơn.

Điều này một lần nữa chỉ ra dù các loại rau, củ, quả, đậu, hạt... đều giàu chất xơ và vitamin nhưng người ăn cần phân nhóm đúng những thứ gì mình ăn.

Trong đó, khoai tây đã từng được cảnh báo rằng khi chúng là một thành phần của món canh, súp thì phải coi chúng là nguồn cung cấp carbohydrate chứ không như rau củ khác.

Bắp - nhất là bắp ngọt (bắp Mỹ) - cũng là loại thực phẩm mà nhiều người tin rằng có thể giúp giảm cân do giàu chất xơ. Thế nhưng, nó giàu tinh bột và nên được coi như thực phẩm nhóm bột - đường.

Trong khi đó, các món đậu thường được khuyến cáo xem như một nguồn đạm.

Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo ăn ít nhất 5 phần rau củ, trái cây mỗi ngày, nhưng lưu ý chỉ nên gồm các loại rau củ, trái cây không có tinh bột như rau lá xanh, cà rốt, táo, lê...

Theo các nhà khoa học, kết quả này làm nổi bật tầm quan trọng tiềm tàng của chất lượng và nguồn carbohydrate trong việc kiểm soát cân nặng lâu dài, đặc biệt là ở người có trọng lượng cơ thể quá mức.