Healthline, trang tin sức khỏe nổi tiếng đã tổng hợp lại 5 tác dụng nổi bật của quả mận đối với sức khỏe:

1. Cải thiện tình trạng táo bón

Quả mận có hàm lượng chất xơ cao, một quả mận cung cấp 1g chất xơ và chủ yếu là chất xơ không hòa tan, chúng đóng vai trò trong việc ngăn ngừa táo bón, giúp phân dễ dàng di chuyển qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, chúng còn chứa sorbitol, một loại rượu đường có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

 

Trong một nghiên cứu của Trường Y khoa Đại học Iowa Carver, Mỹ những người tiêu thụ 2 ounce (50 gram) mận tím khô mỗi ngày trong ba tuần đã có sự cải thiện tần suất đi tiêu tốt hơn so với một nhóm tiêu thụ psyllium (một loại chất xơ bổ sung thường được sử dụng để giảm táo bón.

2. Giàu chất chống oxy hóa

Quả mận rất giàu chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm và bảo vệ các tế bào của bạn khỏi bị tổn thương gây ra bởi các gốc tự do, tiêu biểu là polyphenol, có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của xương, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Trong một nghiên cứu của Trường Khoa học Thể dục và Dinh dưỡng, Đại học Bang San Diego, Mỹ, polyphenol trong mận tím làm giảm đáng kể các dấu hiệu viêm liên quan đến các bệnh về khớp và phổi.

3. Hạ đường huyết

Mặc dù mận có lượng carbs khá cao nhưng chúng như không làm tăng đáng kể lượng đường trong máu. Điều này được cho là nhờ khả năng tăng mức adiponectin – một loại hormone có vai trò trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ trong mận làm chậm tốc độ hấp thụ carbs sau bữa ăn, khiến lượng đường trong máu tăng dần tránh tình trạng tăng đột biến.

4. Tốt cho xương

Một số nghiên cứu như nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng, Thực phẩm & Thể dục, Đại học Bang Florida, Mỹ cho thấy ăn mận có thể làm giảm nguy cơ loãng xương, tác dụng này được cho là nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa và khả năng giảm viêm. Mận tím cũng chứa một số vitamin và khoáng chất có tác dụng bảo vệ xương, bao gồm vitamin K, phốt pho, magiê và kali.

5. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Ăn mận tím thường xuyên được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Chúng có khả năng làm giảm huyết áp và giảm mức cholesterol – những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Các tác dụng tích cực đối với các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim được cho là nhờ hàm lượng chất xơ, kali và chất chống oxy hóa cao.

Những lưu ý trước khi ăn mận để tránh gây hại cho sức khỏe

- Mận có nhiều chất oxalate, nếu ăn nhiều sẽ làm giảm sự hấp thụ canxi. Vì oxalate canxi chính là nguyên nhân gây ra sỏi thận và bàng quang nên bạn cần tránh ăn quá nhiều mận.

- Ăn quá nhiều mận sẽ ảnh hưởng đến việc tiết dịch bình thường của dịch dạ dày. Tiêu thụ quá mức sẽ ảnh hưởng đến nhu động dạ dày, gây viêm dạ dày và loét dạ dày. Độ axit của mận xanh khá cao nên những người có tiền sử bị loét dạ dày hoặc viêm dạ dày nên cẩn thận khi ăn mận xanh.

- Chất chua trong mận có thể làm ê buốt chân răng, đặc biệt là răng của trẻ em. Bởi vậy, những người ăn quá nhiều mận có nguy cơ bị sâu răng cao.

- Đông y cũng khẳng định, mận có tính nóng, vị chua ngọt nên khi ăn quá nhiều mận có thể gây ra hiện tượng nóng trong, sinh nhiệt và gây nên mụn nhọt trong cơ thể. Bà bầu vốn có thân nhiệt nóng hơn so với người bình thường. Vì vậy, đặc biệt không được ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

- Mặc dù có chứa nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc nếu ăn nhiều. Do tác dụng giảm lượng đường trong máu của mận, người vừa trải qua phẫu thuật không nên ăn mận.

- Chất đường trong mận chín có thể ảnh hưởng xấu đến người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, bệnh nhân tiểu đường tốt nhất không nên ăn mận, nhất là với mận chín, cần tuyệt đối tránh xa để tránh nguy cơ đường huyết tăng cao.

- Nên ngâm mận trong nước muối loãng từ 15-20 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn và không nên ăn quá 10 quả trong một ngày.