Mặc dù chạy bộ mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe cho người tập luyện, nhưng thỉnh thoảng, loại hoạt động thể chất này có thể dẫn đến một số chấn thương, đặc biệt nếu bạn rèn luyện không đúng cách.

5 chấn thương khi chạy bộ ai cũng có thể gặp phải:

1. Nhuyễn sụn bánh chè

Tình trạng lớp sụn ở xương bánh chè bị bào mòn dẫn đến mềm nhuyễn dưới sự tác động từ bên ngoài gọi là nhuyễn sụn bánh chè. Người bệnh dễ dàng cảm thấy đau xung quanh xương bánh chè, đặc biệt khi họ:

- Lên, xuống cầu thang

- Ngồi xổm

- Cong đầu gối trong thời gian dài

Các chuyên gia đánh giá nhuyễn sụn bánh chè là một dạng chấn thương khi chạy bộ phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc vận động quá mức. Do đó, không ít trường hợp người bệnh có dấu hiệu cải thiện đáng kể sau khi tạm ngưng tập luyện và nghỉ ngơi vài ngày.

Tuy nhiên, trong vài trường hợp nghiêm trọng hơn, cấu trúc xương khớp ở đầu gối có nguy cơ bị ảnh hưởng và cần được can thiệp y tế càng sớm càng tốt.

2. Rạn xương

Người có thói quen chạy bộ thường có nguy cơ cao bị rạn, nứt ở xương ống chân hoặc cổ chân. Tình trạng này xảy ra chủ yếu là do người tập gắng sức chạy trong khi cơ thể vẫn chưa quen với nhịp điệu, cường độ hoạt động.

Triệu chứng đau nhức do rạn xương sẽ càng tệ hơn nếu bạn vẫn tiếp tục duy trì vận động. Thậm chí, biến cố gãy xương cũng rất dễ phát sinh. Vì vậy, điều bạn cần làm lúc này là chú trọng việc nghỉ ngơi. Đồng thời, hãy thả lỏng cơ thể, tránh gây sức ép lên khu vực bị rạn xương.

3. Đau cẳng chân

Loại chấn thương khi chạy bộ này đề cập đến các cơn đau phát sinh dọc theo xương ống chân. Đau cẳng chân rất dễ xảy ra khi người bệnh đột ngột thay đổi cường độ tập luyện, chẳng hạn như kéo dài quãng đường chạy bộ hoặc tăng tốc độ chạy.

Vì sự tương đồng giữa các triệu chứng cũng như thời điểm phát sinh chấn thương nên mọi người hay nhầm lẫn giữa đau cẳng chân và đau do rạn xương chân. Để xác định đúng vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt, người bệnh nên đi chụp X-quang.

Mặt khác, theo nghiên cứu, hội chứng bàn chân bẹt cũng góp phần làm tăng rủi ro đau cẳng chân ở những người thường xuyên rèn luyện thể chất bằng phương pháp chạy bộ.

4. Bong gân mắt cá chân

Một dạng chấn thương khi chạy bộ khác thường thấy là bong gân mắt cá chân. Một người được chẩn đoán bong gân mắt cá chân khi dây chằng, dải mô chắc khỏe đóng vai trò kết nối các đoạn xương, ở mắt cá xoắn lại và rách. Nguyên nhân chủ yếu là do khớp phải chịu đựng lực tác động quá lớn.

Thực tế, bong gân là chấn thương thể thao vô cùng phổ biến và sẽ nhanh chóng tự khỏi nếu bạn tập trung nghỉ ngơi trong giai đoạn này.

5. Căng cơ

Đôi khi chạy bộ có thể khiến cơ bắp căng cứng, đặc biệt nếu bạn không có thói quen vận động thường xuyên. Các bộ phận dễ bị tác động thường là:

- Cơ đùi sau

- Cơ đùi trước

- Bắp chân

- Háng

Phương pháp RICE (bao gồm nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng bó và nâng cao để tăng lưu thông máu) có thể giúp mau chóng đẩy lui triệu chứng khó chịu.

Làm gì để phòng ngừa chấn thương khi chạy bộ?

Bạn có thể dễ dàng phòng ngừa chấn thương khi chạy bộ với một số mẹo nhỏ như sau:

- Lắng nghe cơ thể, đừng cố gắng tập luyện quá sức

- Lên kế hoạch tập luyện điều độ, khoa học

- Đừng quên khởi động với những bài tập co duỗi cơ trước khi chạy

- Tăng cường tập luyện sức mạnh thể chất cũng như sức bền

- Kết hợp nhiều bài tập luyện với nhau, ví dụ như bơi, đạp xe…

- Lựa chọn quần áo, giày chạy phù hợp

- Chọn quãng đường bằng phẳng để chạy bộ, đừng lựa những địa điểm có dốc, đèo, gập ghềnh khó di chuyển…

- Không để cơ thể mất nước, hãy chuẩn bị sẵn chai nước gần chỗ luyện tập

Biện pháp nào giúp chữa chấn thương khi chạy bộ hiệu quả nhất?

Phần lớn trường hợp, các chấn thương khi chạy bộ sẽ mau chóng tự lành sau khi người bệnh tạm ngưng các hoạt động thể chất và dành thời gian nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn áp dụng thêm một số biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hồi phục, bao gồm:

- Chườm lạnh: giảm đau, sưng và viêm

- Băng bó: sử dụng băng dán y tế và nẹp nhằm kiểm soát tình trạng sưng, đồng thời cố định khu vực bị chấn thương

- Nâng cao: tăng cường lưu lượng hồng cầu đến vùng bị ảnh hưởng để giảm sưng, thường áp dụng đối với chấn thương mắt cá

Các biện pháp khắc phục trên chỉ đem lại hiệu quả đối với các trường hợp chấn thương nhẹ, không quá phức tạp. Đối với tình trạng nghiêm trọng hơn, nhiều bệnh nhân lựa chọn cách uống thuốc giảm đau, kháng viêm kê đơn hoặc phẫu thuật.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc uống thuốc chỉ mang tính chất xoa dịu triệu chứng tạm thời, hoàn toàn không thể điều trị chấn thương. Ngoài ra, đôi khi thuốc có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày, thận cũng như gan.

Mặt khác, tuy phẫu thuật có khả năng chữa chấn thương tận gốc nhưng rủi ro kèm theo cũng quá lớn (nhiễm trùng, tê liệt do tổn thương dây thần kinh…). Do đó, thủ thuật y tế này chủ yếu là phương án điều trị cuối cùng, khi những phác đồ chữa trị khác không đem lại kết quả như mong đợi.