Để cho trẻ có hàm răng chắc khỏe và sáng bóng, cha mẹ cần chú ý chăm sóc răng của trẻ một cách đều đặn và khoa học.
Chọn bàn chải và kem đánh răng đúng loại
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nguyên bác sĩ khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba (Hà Nội) tư vấn cha mẹ nên chọn kích cỡ bàn chải đúng với từng lứa tuổi của trẻ. Bàn chải lông mềm, mịn để giúp răng lợi của bé sạch và không bị tổn thương. Đối với trẻ lớn, lông bàn chải cần phải có độ cứng vừa phải vì nếu quá mềm sẽ không thể làm sạch răng một cách tốt nhất, cứng quá lại dễ làm tổn thương răng lợi. Thay bàn chải cho trẻ 1-3 tháng một lần, khi lông trên bàn chải đã bắt đầu bị xơ.
Kem đánh răng dùng loại theo độ tuổi của trẻ em, không nên dùng chung với người lớn. Bé có thể nuốt phải flour. Chất này đã có trong nước uống, khoáng chất... nếu dùng quá nhiều trẻ sẽ gặp vấn đề về men răng. Thiếu fluor sẽ làm chất lượng men răng kém, gây sâu mủn răng.
Cho trẻ dùng chỉ nha khoa
Nhiều người cho rằng chỉ nha khoa không thích hợp sử dụng cho trẻ nhỏ. Thực tế, cha mẹ nên tập cho con thói quen dùng chỉ nha khoa để lớn lên trẻ có hàm răng chắc khỏe và đẹp. Chỉ nha khoa làm sạch các vụn thức ăn, chống lại sự tấn công của vi khuẩn.
Chải răng đúng cách
Chải răng cho trẻ không đúng cách và không đủ thời gian khiến vệ sinh răng miệng không đạt hiệu quả. Dạy trẻ không chải răng theo chiều ngang vì có thể làm trầy nướu, mòn răng trong khi mảng bám không sạch.
Thay vào đó, dạy trẻ đánh răng kỹ 3 mặt chính gồm vùng ngoài, mặt trong và mặt nhai. Mặt ngoài đánh theo vòng tròn đều, đánh cả răng và lợi, cho trẻ đếm theo nhịp đến 10. Mặt trong đặt bàn chải góc 45 độ, vuốt từ dưới lên trên. Thời gian chải răng kéo dài 1-3 phút. Với những trẻ có hàm răng khấp khểnh, đặt dốc bàn chải lại, đánh theo chiều dọc để bàn chải chải tất cả các răng.
Cho bé làm quen với việc làm sạch miệng trước khi bắt đầu mọc răng
90% trẻ em Việt Nam gặp vấn đề về răng miệng, trong đó việc không cho trẻ đánh răng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới vấn đề này. Theo bác sĩ Hoàng, ngay từ nhỏ cha mẹ nên xây dựng cho con thói quen chăm sóc, vệ sinh răng miệng. Sau khi cho ăn, cần nhẹ nhàng lau sạch nướu răng của trẻ bằng khăn ẩm quấn quanh ngón tay hoặc nước muối sinh lý, gạc vệ sinh răng miệng. Từ những chiếc răng sữa đầu tiên, bố mẹ nên cho trẻ đánh răng và vệ sinh răng đúng cách.
Bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng bàn chải chuyên dụng cho răng trẻ em để trẻ đánh răng cùng bố mẹ mỗi buổi sáng tối, tạo cho con sự thích thú và thói quen đánh răng. Việc sử dụng gạc vệ sinh răng miệng để chà răng cho trẻ sẽ dễ dàng làm sạch mảng bảm hơn.
Cho trẻ uống nước sau khi ăn
Nhiều người cho rằng ngay sau khi ăn nên đánh răng để tránh sự tấn công của vi khuẩn. Tuy nhiên, lúc này môi trường miệng mang tính axít nhiều, việc chà mạnh sẽ dễ làm tổn thương men.
“Tốt nhất là nên đánh răng sau khi ăn ít nhất 15-20 phút hoặc chỉ cần một ít nước sau mỗi bữa ăn cũng có thể rửa sạch răng cho bé, loại bỏ những thức ăn thừa trong miệng”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Sử dụng những thực phẩm, đồ uống có lợi cho răng
Nguyên nhân gây sâu răng ở nhiều trẻ xuất phát từ việc ăn quá lâu, ăn nhiều chất ngọt, trẻ ngậm thức ăn, uống thức uống có đường ga. Bác sĩ Hoàng lý giải những thực phẩm này bám vào răng miệng mà không được vệ sinh đúng cách sẽ lên men, tạo ra axít phá hủy cấu trúc men răng. Để răng của trẻ được phát triển vững chắc, cha mẹ cần lưu ý hạn chế điều này.
Lưu ý cho bé ăn đầy đủ dưỡng chất và tăng cường sữa, thịt, cá, tôm, cà rốt... Nếu cơ thể không được dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng, răng của bé không những mọc chậm mà sau khi mọc còn bị vi khuẩn xâm nhập gây sâu răng. Một số thực phẩm tốt có chứa flour như tôm, cua, sò... nên bổ sung. Flour là yếu tố vi lượng không thể thiếu được cho việc bảo vệ răng. Chất flour có trong men răng có tác dụng ngăn ngừa sâu răng và làm trắng răng.
Loại bỏ những thói quen xấu, gây hại cho răng
Nghiến răng, mút môi, mút ngón cái, ngậm ti giả hay các đồ vật tương tự giúp trẻ có cảm giác thoải mái. Song tật cắn môi, mút môi dưới dễ gây thiểu sản xương hàm dưới, hô răng. Mút môi trên gây chìa xương hàm dưới. Nếu mút ngón liên tục quá 5 tuổi, sẽ gây ra mọc răng không đúng vị trí, gây hô, cắn hở... hệ quả là thẩm mỹ xấu, chức năng nhai ảnh hưởng, khả năng phát âm kém hơn.
Tật đẩy lưỡi về phía trước ở trẻ tưởng như vô hại nhưng cũng ảnh hưởng xấu với hàm răng trẻ. Nó sẽ các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và xa nhau. Hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên và có thể gây cắn hở. Thói quen thở miệng ở trẻ có thể gây hẹp cung hàm, viêm A, sức đề kháng kém.
Khám răng định kỳ
Bố mẹ chỉ đưa trẻ đến gặp nha sĩ khi bé gặp các vấn đề răng miệng trở nên nghiêm trọng. Các bệnh răng miệng thường tiến triển âm thầm, đôi khi chưa biểu hiện ra. Đặc biệt khi trẻ mất răng sữa, sâu răng sữa sớm, ăn nhai đau khó, thở miệng khi ngủ hoặc nghiến răng... cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ nha khoa sớm. Tốt nhất nên thăm khám răng miệng định kỳ 4-6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm các tổn thương răng và điều trị kịp thời.