Nội dung bài viết:
Tại sao trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm lại bị bón?
Khi bé bú mẹ hoàn toàn, hệ tiêu hóa của bé không cần hoạt động quá nhiều vì sữa mẹ chứa các chất dinh dưỡng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Nhưng khi bé chuyển sang ăn dặm, thức ăn dặm hoàn toàn lạ lẫm với bé và cơ thể bé có thể sẽ không tiết đủ enzym tiêu hóa chúng. Mặt khác, thức ăn mới đặc hơn sữa của mẹ nên rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón.
Lúc này, phân bé sẽ khác so với lúc bú mẹ. Phân sẽ đóng khuôn hơn, màu đậm hơn và nặng mùi hơn lúc trước, nhưng đó là hiện tượng bình thường. Trừ khi bé bị chướng bụng, không đi cầu được hoặc bé phải rặn đỏ mặt để đi cầu. Cộng thêm hình thái phân khô rắn hoặc rắn đầu phân, phân nhỏ như phân dê… thì mới là dấu hiệu chứng tỏ có thể bé bị táo bón.
Những sai lầm của mẹ khiến bé ăn dặm kiểu nhật bị táo bón
Đa số nguyên nhân trẻ ăn dặm bị táo bón là do sai lầm của mẹ.
Cho bé ăn dặm sớm
Có nhiều trường hợp bé mới gần 4 tháng đã bị ép ăn bột hoặc có vẻ thích ăn bột nên người lớn cho bé ăn luôn 3 – 4 bữa một ngày. Việc nếm thức ăn mới có thể bé sẽ thấy thích thú và muốn ăn nhiều. Nhưng lúc này hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, chưa thể tiêu hóa được lượng thức ăn ngoài lớn như vậy. Thức ăn không tiêu hóa hết sẽ dẫn đến táo bón.
Uống ít sữa mẹ
Nhiều mẹ cho rằng bé ăn dặm không cần bú mẹ nữa vì sữa mẹ không còn chất, hoặc mẹ cho bé bú ngay sau khi ăn dặm khiến bé no không muốn bú thêm sữa nữa. Tuy nhiên, kể cả khi bé ăn dặm rồi vẫn nên bú mẹ nhiều nhất có thể. Sữa mẹ không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng tốt nhất cho con mà còn chứa lượng nước dồi dào, chứa các enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Do đó bú mẹ ít đi cũng là nguyên nhân của trẻ ăn dặm bị táo bón.
Pha sữa đặc hơn
Có một số mẹ không thấy tăng cân mặc dù tháng trước vẫn tăng đều, bé hoạt động nhiều mau đói hơn nên cứ sợ con “thiếu chất” và nảy ra “sáng kiến” pha cùng lúc nhiều loại sữa, hoặc cho thêm 1 muỗng để sữa có “nhiều chất” hơn.
Quá tải chất dinh dưỡng làm bé không hấp thu hết được, tiêu chảy táo bón thay phiên nhau cả tháng trời. Nhiều bé lười ăn nên ông bà hoặc mẹ nấu bột đặc hơn hay pha sữa ít nước đi cho con đỡ uống nhiều, kết cục bé bị táo bón và càng sợ ăn hơn trước.
Không cho bé uống đủ nước
Có mẹ lại thấy khi bé bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống nước, do đó khi ăn dặm rồi cũng không cho bé uống thêm nước khiến bé bị táo bón.
Táo bón gây khó chịu cho bé như thế nào?
Táo bón là tình trạng đi cầu rất khó khăn. Phân thải ra khi bị táo bón sẽ rất cứng và đau, thậm chí là có thể ra máu, điều này khiến không ít người lo lắng, đặc biệt là đối với các trẻ nhỏ, tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho lắm.
Một phần nước cơ thể hấp thu là từ nước trong thức ăn. Những lúc cơ thể thiếu nước, ruột sẽ làm “nhiệm vụ” hấp thu nước trong thức ăn nhiều hơn mức bình thường làm cho phân đi ngoài của chúng ta trở nên khô cứng và rắn chắc hơn, việc đại tiện trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Các trẻ nhỏ cũng như người lớn, một số bé đi tiêu mỗi 2 ngày hoặc hơn, một số bé khác có thể đi 2 – 3 lần mỗi ngày nhưng nếu một ngày bạn phát hiện tần suất đi đại tiện của con ít hơn bình thường thì nên để ý theo dõi. Trường hợp bé đi tiêu mỗi ngày nhưng đột ngột không thấy đi tiêu cả mấy ngày gần đây thì có thể là con của mẹ đang bị táo bón.
Cách chữa táo bón cho trẻ mới ăn dặm
Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao? Đầu tiên và quan trọng nhất là cho bé uống đủ nước, tăng chất xơ, dùng các món mát như khoai lang, diếp cá, sữa chua…
Nếu bé dùng sữa công thức thì cần pha đúng tỷ lệ sữa – nước, đổi sữa mát có chất xơ (FOS, GOS) hay probiotic và có thể cho bé dùng thêm nước sau mỗi lần uống sữa (lưu ý lượng nước theo độ tuổi).
Mát-xa bụng cho bé (xoa tròn quanh rốn theo chiều kim đồng hồ) kết hợp với bài tập đạp xe để tăng cường nhu động ruột, kích thích đi ngoài.
Tập cho bé đi cầu đúng giờ bằng cách xi bô cho bé sau ăn vào giờ cố định.
Nếu bé bị táo nặng quá thì có thể thụt tháo. Nhưng không lạm dụng cách này vì có thể gây giãn trực tràng và đại tràng sigma tạo thành thói quen xấu, không tự đi ngoài được.
Cách phòng tránh táo bón khi ăn dặm
Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên ngay từ trước khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ nên tìm hiểu các phương pháp ăn dặm cũng như chế độ ăn như thế nào để bé thích nghi được tốt nhất:
Các bé ăn dặm BLW hay ăn dặm kiểu Nhật thường ít bị táo bón hơn do được tiếp xúc chủ yếu với rau củ quả ngay khi mới bắt đầu ăn dặm.
Với các bé ăn dặm truyền thống, khi mới bắt đầu ăn mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 – 2 thìa bột nấu với tỷ lệ 1 bột : 10 nước và cho bé ăn 1 bữa mỗi ngày. Mẹ có thể cho bé ăn thêm 1 thìa cà phê mỗi ngày các loại rau củ, trái cây xay nhuyễn như: bí ngô, khoai lang, bông cải xanh, cà rốt, táo, lê, chuối, bơ, đu đủ…
Sữa công thức mẹ chú ý pha đúng tỷ lệ, không thêm không bớt nước, không pha nhiều loại sữa với nhau.
Sau mỗi lần bú sữa công thức và ăn dặm mẹ cho bé uống thêm 1 thìa nước. Tổng lượng nước bé cần là 100ml/kg/ngày. Ví dụ như bé 6 tháng 8kg sẽ cần khoảng 800ml nước mỗi ngày bao gồm cả nước trong sữa, nước hoa quả, bột ăn dặm và lượng uống thêm. Dựa vào đó để mẹ cho bé uống thêm lượng nước thích hợp.
Tăng cường vận động làm tăng nhu động đường ruột sẽ giúp bé tiêu hóa tốt hơn và tống phân dễ dàng hơn. Mẹ cho bé bò thỏa thích, xoa bụng và làm động tác đạp xe cho bé mỗi ngày rất hữu ích cho việc đi tiêu.
Trong đường ruột của chúng ta, lợi khuẩn có vai trò tiết ra rất nhiều loại enzyme giúp tiêu hóa thức ăn. Lợi khuẩn còn bám vào lớp vi nhung mao để tạo thành 1 màng bao bảo vệ các tế bào tiết enzyme và tế bào hấp thu nằm trên đó, nhờ vậy đường ruột mới thực hiện tốt chức năng tiêu hóa của mình
Diện tích bề mặt của đường ruột là rất lớn và luôn thiếu hụt lợi khuẩn, do đó mẹ nên bổ sung men vi sinh từ 1 tháng trước khi bé bắt đầu ăn dặm để tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa cũng như miễn dịch của cơ thể, để đến lúc bé bắt đầu ăn dặm là bé đã sẵn sàng tiếp nhận các loại thức ăn lạ.
Tổng kết lại, trẻ ăn dặm bị táo bón là không hiếm gặp, nguyên nhân đa phần do sai lầm trong cách chăm sóc trẻ của các bà mẹ. Việc dự phòng cũng như xử lý khi con trẻ gặp tình trạng này cũng tương đối đơn giản, dễ áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài, tốt nhất là cho bé đến gặp bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp và an toàn nhất.