Nướng thịt cháy
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Sức khoẻ Cộng đồng Minnesota, Mỹ đã chỉ ra rằng, trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao, thịt sẽ sinh ra các chất gây bệnh. Khi nướng thịt ở nhiệt độ 500-600 độ C, lượng mỡ nhỏ giọt xuống than hồng sẽ hình thành các phân tử hydrocarbure thơm đa vòng gây hại cho sức khỏe. Còn trong lò nướng ở nhiệt độ 80-100 độ C, chất creatin hay creatinin trong thịt cá sẽ biến đổi thành amin thơm dị vòng. Nếu như bạn ăn phải các món thịt nướng này, chất creatin sẽ theo món ăn xâm nhập vào cơ thể bạn đến gan biến thành chất độc.
Ngoài ra những chất tiết ra ở nước thịt, nước cá dính trong lò nướng nếu không được lau sạch sẽ rất dễ chuyển thành AHA. Trong trường hợp, nếu như bạn nướng thịt ở nhiệt độ trên 200 độ C, nhiều loại AHA khác có độc tính mạnh hơn sẽ được hình thành do sự phân hủy các axit amin. Những AHA này bám ở những chỗ thịt cá bị cháy. Vì vậy để an toàn, bạn tuyệt đối không nên ăn những chỗ thịt cá bị cháy đó dù có mùi thơm rất hấp dẫn.
Đổ nước lạnh vào nồi khi đang luộc thịt
Nhiều bà nội trợ thường có thói quen đổ thêm nước lạnh vào nồi luộc thịt đang sôi sùng sục. Thực tế, cách làm này lại làm cho món thịt luộc giảm dinh dưỡng đi đáng kể.
Đổ nước lạnh vào nồi khi đang luộc sẽ khiến các protein và chất béo trong thịt bị kết tủa, làm thịt co lại, cứng hơn bình thường.
Thực tế cách làm này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ làm cho miếng thịt không ngon và mất chất.
Chọc đũa vào thịt luộc để thử xem thịt còn sống hay đã chín
Việc chọc đũa vào thịt khi đang luộc tưởng chừng chỉ là một hành động bình thường, không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến thịt luộc.
Nhưng thực chất, khi bạn chọc đũa vào thịt đang luộc, các dưỡng chất trong thịt sẽ trào ra ngoài, hòa tan rất nhanh vào nước, và làm giảm chất dinh dưỡng cũng như hương vị của miếng thịt luộc.
Cho nên, bạn nên ước lượng thời gian thịt chín và luộc thịt trong đúng khoảng thời gian đó, ghi nhớ kích cỡ miếng thịt, lượng nước, độ lửa, thời gian luộc tương ứng, như vậy bạn không cần thử thịt chín bằng cách dùng đũa.
Dùng chung thớt dao cho thịt sống và chín
Đây là một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều bà nội trợ mắc phải, nhiều người thường dùng chỉ 1 dao và một thớt để thái cả thịt sống lẫn thịt chín. Điều đó vô tình khiến các vi khuẩn từ thịt sống bám qua bề mặt thớt vào thịt chín khi ăn vào cơ thể, sinh ra nhiều bệnh tật. Vì vậy, bạn hãy để riêng thớt thái thịt sống và thớt thái thịt chín. Nếu có thể, hãy dùng thêm một loại thớt khác để thái rau quả và thay thớt theo khuyến cáo từ 3-6 tháng hoặc khi thớt có dấu hiệu bị mòn, nứt vỡ...
Thái thịt ngay khi luộc chín
Sau khi luộc, bạn không nên thái ngay bởi nước chưa kịp thoát ra ngoài và khiến thớ thịt không đẹp mắt. Tốt nhất, với miếng thịt hay xương, ức gà không da thì để nghỉ 5 phút. Với gà luộc cần phải để 30 phút.
Rửa thịt bằng nước nóng
Nhiều người có thói quen chần thịt lợn để đổ nước đầu trước khi chế biến, nhưng làm như vậy sẽ mất đi rất nhiều thành phần dinh dưỡng trong thịt lợn.
Trong mô cơ thịt lợn và mô mỡ chứa đại lượng protein, ví dụ như protit hòa tan và protit ngưng tụ. Khi nước nóng thâm nhập vào thịt lợn, đại lượng protit hòa tan sẽ mất đi. Ngoài ra, trong protit hòa tan có acid glutamic và các thành phần khác, mất đi những chất này sẽ ảnh hưởng đến hương vị của thịt lợn. Vì vậy nên dùng nước lạnh rửa sạch thịt.