Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.X. (51 tuổi, địa chỉ: Võ Nhai, Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, tê môi lưỡi, mặt, tím tái toàn thân, tim nhịp nhanh không đều…
Theo thông tin từ người nhà cho biết, khoảng 9h sáng cùng ngày bệnh nhân có uống rượu, sau đó có uống nhầm một chén rượu khoảng 30ml rượu ngâm củ ấu tàu, 5 phút sau chân tay co rút lại, người rét run, có biểu hiện vã mồ hôi, kích thích, vật vã, tím tái toàn thân. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, dùng thuốc và thở máy, rửa dạ dày... Sau khi cấp cứu, đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch.
Theo thông tin từ báo Dân Việt, BSCKII. Nguyễn Văn Đào, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Củ ấu tàu thường được dùng trong Đông y làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi.
Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc; Không nên tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn, khi có biểu hiện ngộ độc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Đây là thời điểm cuối năm nên có nhiều cuộc liên hoan vì thế cần thận không nên lạm dụng các loại rượu thuốc ngâm dược liệu không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Nhiều người có thói quen đem nguyên con, nguyên cây (như rắn, bìm bịp, các loại cỏ, cây, lá, hoa thuốc phiện...) cho vào rượu ngâm để uống. Đồng thời không nên sử dụng rượu trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:
1.Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Cách xử trí khi ngộ độc rượu
Nên uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh.
Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn.
Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
Có thể dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước để uống.