Theo thông tin từ VNN, vừa qua Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận gia đình chị H.T.T (43 tuổi, trú xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) phải nhập viện cấp cứu vì ăn nấm độc.
Theo lời kể của chị T., trên đường đi làm về, người phụ nữ này thấy bụi nấm mọc ven đường rất đẹp, giống với loại bán ngoài chợ nên hái về nấu ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn khoảng từ 15 đến 30 phút, gia đình chị gồm hai vợ chồng và 3 người con trai đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội.
Gia đình chị T. được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện và xuất viện.
Dấu hiệu cảnh báo ngộ độc nấm
ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, so với các loại ngộ độc thì ngộ độc nấm nguy hiểm và dễ tử vong cao hơn rất nhiều do độc tố trong nấm cực mạnh. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc trị. Hiện việc điều trị cần cấp cứu, thải độc và giải độc sớm, hồi sức tích cực, rất tốn kém.
Lo ngại nhất là biểu hiện ngộ độc trên người xuất hiện chậm. Tùy theo loại nấm, biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện sau 6 giờ, có khi sau 20 giờ. Biểu hiện ngộ độc càng chậm thì chất độc càng ngấm sâu vào cơ thể, càng khó chữa vì các chất độc đã đi sâu xuống ruột và hấp thu vào máu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn những loại nấm mọc hoang trong rừng. Nếu chẳng may ăn phải nấm độc, người dân cần uống ngay than hoạt tính để thải độc rồi mới đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Nhận biết 3 loại nấm độc thường gặp ở nước ta
Dưới đây là đặc điểm nhận dạng của 3 loại nấm độc thường gặp ở nước ta, người dân cần tránh hái nhầm.
- Nấm tán trắng: Bề ngoài nấm tán trắng rất mập, trắng nên dễ bị nhầm với các loại nấm ăn được. Loại này hay mọc ở ven rừng, ven đường hoặc trên bãi cỏ. Quả nấm màu trắng, đôi khi ở giữa có màu vàng bẩn, bề mặt khi thời tiết khô thì nhẵn bóng, khi trời ẩm thì ướt và dính. Phấn nấm màu trắng, đường kính khoảng 5 - 10cm, cuống và vòng cũng màu trắng, chân phình dạng củ.
- Nấm đỏ: Nấm mọc đơn độc hoặc thành cụm. Quả nấm có màu đỏ rực hay đỏ cam, màu sắc có thể nhạt dần sau mưa, có phủ những vảy màu trắng, đường kính từ 10 - 15cm, cuống và vòng màu trắng hoặc vàng, chân phình dạng củ, thịt nấm trắng không có mùi vị đặc biệt.
- Nấm đen nhạt (nấm bìu, nấm xanh đen - Amanita phalloides): Quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ. Thịt nấm mềm màu trắng, khi non có mùi thơm ngọt, già có mùi khó chịu. Nấm thường mọc đơn độc hoặc thành cụm ở trên mặt đất rừng hoặc bãi cỏ. Đây là loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm cũng đủ khiến người trưởng thành tử vong.