Thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều thành công nhất định trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn của vị thành niên, thanh niên vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung.
Các bác sĩ cảnh báo, mang thai ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Sức khỏe kém, có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, đau đớn, thậm chí tử vong. Việc phá thai có thể gây ra nhiều căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần; phá thai có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, sảy thai và sinh non ở những lần mang thai sau này…
Vì vậy, các chuyên gia nhận định, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên là công tác quan trọng góp phần ổn định nhiều mặt của xã hội, phòng tránh nhiều hệ luỵ tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số, gia đình về lâu dài cho địa phương.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng được coi là một trong những giải pháp giúp trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là những người sắp kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý và sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Theo ThS.BS Nguyễn Tân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), việc tuyên truyền để các bạn trẻ thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, có 5 nhóm khó khăn, thách thức chính mà các địa phương thường gặp.
Thứ nhất: Bản thân các bạn trẻ trước khi kết hôn vẫn chưa thấy đó là việc quan trọng, cần thiết. Vẫn chưa có sự bàn bạc, thảo luận của cả 2 về vấn đề này. Các bậc phụ huynh của cả 2 phía gia đình cũng chưa coi đó là việc cần làm, chưa nói đến nhiều gia đình còn không đồng tình.
Thứ hai: Hiện nay, việc cung cấp thông tin cho các bạn trẻ trước khi kết hôn vẫn đang sử dụng các cách tiếp cận truyền thống là chính, việc áp dụng một số các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng… vẫn đang ở qui mô thử nghiệm sáng kiến trong khuôn khổ các dự án và chưa có các bằng chứng thuyết phục về kết quả thay đổi hành vi của các bạn trẻ.
Thứ ba: Các chương trình giáo dục SKSS, SKTD trong nhà trường (một cách tiếp cận sớm đối tượng trước khi kết hôn) đang được thực hiện thí điểm và cũng chưa cập nhật với nội dung và phương pháp tiếp cận giáo dục giới tính và tình dục toàn diện… nội dung giáo dục này phụ thuộc vào sự tự nguyện của từng trường.
Thứ tư: Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS, SKTD VTN-TN tới các đối tượng VTN-TN ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng tổ chức rời rạc, phạm vi hẹp và thiếu tính đồng bộ.
Thứ năm: Công tác đầu tư kinh phí, xây dựng mô hình, định hướng, hướng dẫn các hoạt động truyền thông từ các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, vẫn còn chồng chéo, sự phối hợp chưa thật hiệu quả.
Theo ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, khám sức khỏe trước kết hôn là việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này. Việc khám sức khỏe trước kết hôn không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ tương lai của mình.