Trong hôn nhân, bên cạnh tình yêu, đồng cảm, một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì hạnh phúc chính là đời sống tình dục hòa hợp cũng như sức khỏe của hai vợ chồng để có những đứa con khỏe mạnh.
Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện ra người bạn đời mắc bệnh di truyền, truyền nhiễm. Hệ lụy đau lòng hơn cả là những đứa con do họ sinh ra cũng bị dị tật bẩm sinh...
Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về di truyền tăng
Theo thống kê, hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương quản lý hơn 1.000 hồ sơ bệnh nhân Thalassemia, số bệnh nhân đến truyền máu mỗi tháng khoảng 120 - 150 trường hợp. Nhiều gia đình có hai con nhỏ đều mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng I, TP HCM, mỗi năm tiếp nhận từ 800 - 1.000 lượt bệnh nhi Thalassemia nhập viện điều trị. Các bệnh viện tuyến tỉnh mỗi năm cũng có hàng trăm bệnh nhân đến điều trị căn bệnh này.
Nhiều chuyên gia nhi khoa cảnh báo, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh Thalassemia, một bệnh về máu có tính di truyền, có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng số bệnh nhân được điều trị vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.
Nguyên nhân chính chỉ vì các cặp vợ chồng chưa chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân để được phát hiện bệnh và tư vấn trước sinh kịp thời.
Trẻ mắc Thalassemia thường bị sạm da, xơ gan, suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển vận động, tâm thần, thậm chí suy tim và tử vong.
Điều đáng lo ngại là không chỉ riêng bệnh nhi Thalassemia có xu hướng tăng, các chuyên gia sản khoa cho hay có rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện có thai, bà mẹ mới biết mình nhiễm HIV, viêm gan B... khiến cho việc theo dõi thai kỳ lâm vào “thế khó” vì bác sĩ tư vấn bỏ thai đi cũng không được mà tiếp tục theo dõi thai nhi cũng rất khó khăn.
Khi nào cần đi khám sức khỏe tiền hôn nhân?
TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương cho hay, việc biết trước về sức khỏe của nhau trước lúc kết hôn sẽ giúp các đôi vợ chồng trẻ vững vàng về tâm lý để sẵn sàng đón nhận tất cả những gì sẽ xảy đến. Hoặc không, họ có thể chọn lựa cho mình một lối đi khác để thoải mái hơn cho tinh thần của cả hai.
Thật không quá khi nói rằng, khám tiền hôn nhân được ví như hành lang bảo vệ cho cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh các yếu tố về tâm lý, tài chính, thì sức khỏe cũng có ảnh hưởng không nhỏ, giúp các cặp đôi trẻ xác định đã đủ sẵn sàng để tiến tới cuộc sống hôn nhân hay chưa.
Bác sĩ Thành cho hay, rất nhiều bạn trẻ khi chuẩn bị kết hôn mới đi khám tiền hôn nhân. Tuy nhiên, thực tế ngày nay các bạn quan hệ tình dục rất sớm và thường đã “làm chuyện ấy” từ lâu sau đó mới quyết định cưới xin.
“Do đó, ngay từ khi có các hoạt động sinh hoạt tình dục, các bạn đã phải khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không mắc các bệnh viêm nhiễm, không lây truyền bệnh sang các bộ phận khác”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Thứ hai, khi đã “yêu” thì hoàn toàn có thể có nguy cơ mang thai, sinh em bé. Vì vậy, một trong những việc rất quan trọng của khám tiền hôn nhân là khám về mặt di truyền để xem hai người có thể kết hợp và đẻ ra những người con khỏe mạnh hay không.
Tránh tình trạng một trong hai người hoặc cả hai người mắc bệnh truyền nhiễm, di truyền mà không biết gây nên những hậu quả đau lòng. Thực tế, em bé sinh ra phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe cha mẹ. Trong một số trường hợp, nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha mẹ có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con.
“Khi đã quan hệ tình dục, hoàn toàn các bạn nên đi khám tiền hôn nhân”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.