Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỉ lệ 50%.
Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, nữ giới chiếm 40%, 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người ngại ngần việc khám sức khỏe trước khi kết hôn bởi nếu đi khám mà biết có bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc. Nhiều trường hợp e ngại vì sợ đối phương cho rằng nghi ngờ nhau mới phải đi khám.
Nhưng những tâm lý lạc hậu này cần phải thay đổi bởi khám tiền hôn nhân không chỉ là cách chăm sóc riêng cho bản thân mình mà đó cũng được coi là trách nhiệm đối với sức khỏe người chồng/người vợ của mình, có ý nghĩa quan trọng là nền tảng của một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Phát hiện kịp thời các căn bệnh tiềm ẩn
Vợ chồng chị Đ.T.T.H (29 tuổi, ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau 2 năm kết hôn vẫn chưa có con. Chị đã hai lần có bầu nhưng không thể giữ. Đến bệnh viện thăm khám, các bác sỹ phát hiện chị H. có tử cung thấp nên cứ mang bầu là sảy thai. Nếu đến khám trước kết hôn, tình trạng của chị H. có thể được cải thiện nhờ sự can thiệp của bác sỹ.
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), giai đoạn tiền hôn nhân bắt đầu từ lúc một người có khả năng sinh sản tới khi kết hôn. Người ở giai đoạn này gồm trẻ vị thành niên có khả năng sinh sản và người lớn tuổi (thậm chí 30-40 tuổi) mà chưa từng kết hôn.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp chỉ vài ngày sau khi kết hôn đã cãi vã, người chồng nghi vợ không còn “trinh” trước khi cưới vì lần đầu “sinh hoạt vợ chồng” không thấy "dấu hiệu"; có bạn nữ bị bệnh phụ khoa nhưng không dám đi khám chỉ vì chưa có chồng; rồi rất nhiều đứa trẻ sinh ra bị dị tật không được cha mẹ thừa nhận phải đưa vào các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi…
Theo các bác sỹ, trong khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, phụ nữ thường phát hiện các bệnh lý liên quan buồng trứng như suy buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm tắc vòi trứng…; còn đối với nam giới, thường gặp tình trạng tinh trùng yếu.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi trước khi kết hôn có thể bảo vệ sức khỏe, tầm soát, phòng ngừa, phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; viêm gan B, C; giang mai; bệnh di truyền; tinh trùng yếu, nang buồng trứng…
Phát hiện bệnh sớm giúp điều trị kịp thời, bảo đảm sau khi kết hôn thì quá trình mang thai an toàn để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Đem lại nhiều lợi ích
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số Đỗ Thị Quỳnh Hương, mục đích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân, mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm, nhờ đó tránh được những khúc mắc trong sinh hoạt vợ chồng.
Hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích cho các cặp vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dân số.
Theo uớc tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Việc chú trọng đến khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Bởi nhiều dị tật bẩm sinh hay bệnh tật của con cái có thể là do di truyền từ bố mẹ.