Sữa hạt là gì?
Sữa hạt là loại thức uống được chế biến từ các loại hạt, có thể là hạt ngũ cốc: vừng, gạo, ngô, yến mạch…; các loại đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ… hay các loại hạt dinh dưỡng giàu chất béo như: hạt mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều…
Theo thành phần dinh dưỡng của các loại hạt, sữa hạt được chia làm hai nhóm là:
- Sữa hạt giàu chất béo, đạm: Làm từ các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, các loại đậu…
- Sữa hạt ngũ cốc: Làm từ yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…
Khi chế biến một số loại sữa hạt, có thể ngâm hạt để làm lên men hoặc nảy mầm, giúp giảm thiểu tối đa các thành phần có hại, tăng thêm hương vị và nhất là có thể tăng thêm giá trị dinh dưỡng.
Công dụng của sữa hạt đối với sức khỏe
Kiểm soát lượng đường trong máu: Vì các loại hạt tự nhiên có chỉ số đường huyết thấp nên uống sữa hạt sẽ có tác dụng làm giảm tối thiểu lượng đường trong máu. Thực tế, sữa hạt còn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách giảm cảm giác thèm đồ ngọt và tạo cảm thấy no lâu hơn. Người bệnh đái tháo đường nên uống sữa hạt thường xuyên để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Tăng cường sức khỏe cho mắt: Gutein và zeaxanthin là những hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong sữa hạt. Những chất chống oxy hóa này giúp thị lực khỏe mạnh, cũng như bảo vệ đôi mắt khỏi bị tổn thương do stress oxy hóa. Thêm sữa hạt vào thực đơn hàng ngày có thể bảo vệ đôi mắt khỏi nguy cơ mất thị lực và các vấn đề về mắt khác.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Hầu hết tất cả các loại hạt đều chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho tim như: vitamin E, axit béo omega-3, chất xơ và chất béo không bão hòa. Chúng có thể giúp giảm cholesterol, tiêu viêm, cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Người cao tuổi, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… mỗi ngày uống từ 300 - 500ml sữa hạt, vào bữa ăn sáng và chiều sau giấc ngủ trưa. Không nên uống quá 500ml/ngày vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Duy trì làn da khỏe mạnh: Sữa hạt rất giàu đồng, một khoáng chất điều chỉnh việc sản xuất protein của da, như collagen và elastin. Không đủ lượng protein này có thể khiến da dễ bị lão hóa sớm. Sữa hạt lại chứa các thành phần tự nhiên hỗ trợ chống lão hóa, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đào thải độc tố, giúp duy trì làn da hồng hào, sáng khỏe.
Nhóm người không nên uống sữa hạt
Người có vấn đề về tiêu hóa
Những người có các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,... cần thận trọng khi sử dụng sữa hạt. Sữa hạt thường chứa nhiều chất xơ, có thể gây đầy hơi, khó tiêu, đau bụng ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Một số loại hạt chứa phytate, chất có thể cản trở hấp thu khoáng chất như sắt, kẽm. Bên cạnh đó, một số loại sữa hạt có hàm lượng đường cao, có thể làm nặng thêm các triệu chứng tiêu chảy.
Người bị bệnh thận
Người bị bệnh thận cần hạn chế lượng kali, phốt pho trong chế độ ăn. Một số loại sữa hạt như sữa hạt hạnh nhân, sữa hạt óc chó chứa hàm lượng kali và phốt pho cao, có thể gây áp lực lên thận. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng sữa hạt và chỉ nên chọn loại sữa hạt có hàm lượng kali, phốt pho thấp.
Trẻ em dưới 1 tuổi
Sữa hạt không phải là nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là lựa chọn tốt nhất cho giai đoạn này.
Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ gặp vấn đề khi tiêu hóa sữa hạt. Khi trẻ lớn hơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống sữa hạt. Bổ sung sữa hạt từ từ vào chế độ ăn của trẻ, theo dõi phản ứng của trẻ.
Người bị bệnh gout
Sữa hạt không phù hợp với người bệnh gout do chứa nhiều purine. Việc tiêu thụ quá nhiều purine từ sữa hạt có thể làm tăng nguy cơ tái phát các cơn gout, gây đau nhức và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh gout nên lựa chọn các loại đồ uống khác phù hợp hơn và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát bệnh hiệu quả.