Tình hình ĐTĐTK tại Việt Nam: Không phải mẹ bầu nào cũng biết
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những năm gần đây, tỷ lệ ĐTĐTK cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam đều tăng nhanh. Trung bình có 16% mẹ bầu trên thế giới mắc ĐTĐTK. Tại Việt Nam, con số này còn cao hơn, đến 20% (tức trung bình cứ 5 thai phụ thì có 1 người mắc ĐTĐTK).
Phổ biến là thế, nhưng với các mẹ bầu tại Việt Nam, đây là một khái niệm ít được biết đến. Khá nhiều mẹ bầu tự tin ĐTĐTK chỉ là tình trạng tạm thời và có thể tự khỏi sau khi bé chào đời nên “bỏ mặc”, mà không biết rằng nếu không được kiểm soát đúng cách, cả mẹ lẫn bé đều có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn.
Ngược lại, một số mẹ khác lại lo lắng thái quá khi nhận được kết quả xét nghiệm và phát hiện mình mắc ĐTĐTK. Các mẹ này trở nên hoang mang, cố gắng kiêng cữ quá mức như giảm ăn khiến không đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết: Mẹ bầu không cần lo lắng thái quá, vì ĐTĐTK có thể được kiểm soát tốt nếu điều chỉnh về lối sống, sinh hoạt, dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên “thấy dễ” mà lơ là với vấn đề này, vì nếu không điều chỉnh, phòng ngừa từ ban đầu thì ĐTĐTK có thể gây ra những hậu quả mang tính lâu dài cho cả mẹ và em bé.
Quản lý dinh dưỡng: yếu tố căn bản cần được quan tâm trong kiểm soát ĐTĐTK
Trong những việc cần điều chỉnh nhằm phòng ngừa và kiểm soát tốt ĐTĐTK thì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hơn cả. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho người ĐTĐTK cần đáp ứng đúng và đủ các nguyên tắc sau: ổn định đường huyết, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng, hạn chế biến chứng đặc biệt là các biến chứng liên quan đến tim mạch.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết: Nguyên tắc chung là mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho đường huyết ở mức 5,7 - 6,1mmol/l. Với các thai phụ, năng lượng nhu cầu hàng ngày trung bình chỉ cần đáp ứng 1.800 - 2.500 calo, trong khẩu phần ăn cần giảm mỡ, giảm bột và tăng chất xơ. Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ăn quá no hay để quá đói.
Mẹ bầu cũng cần hiểu rõ về khái niệm GI - Glycaemic Index. Đây là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường. Chỉ số GI của một thực phẩm được phân loại: thấp, trung bình hoặc cao. Thực phẩm có chỉ số GI cao thường chứa loại đường glucose hấp thu nhanh. Điều đó có nghĩa là sau khi ăn các thực phẩm loại này, thì mức đường glucose trong máu sẽ tăng vọt lên rất nhanh, nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó. Ngược lại, các thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ tốt hơn vì mức đường huyết được tăng lên từ từ đều đặn, và cũng giảm xuống một cách chậm rãi giúp giữ được nguồn năng lượng ổn định.