Bà Hoàng (71 tuổi, Trung Quốc) có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, sáng ngày 14/3 vừa qua, khi đứng dậy thì bà thấy tay trái không linh hoạt lắm, nói lắp. Người con trai của bà ngay lập tức gọi cấp cứu. Bà được đưa đến Khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân số 3 Hàng Châu (Trung Quốc).
Ban đầu, bác sĩ phán đoán các triệu chứng của bà Hoàng có thể là đột quỵ, ngay lập tức tiến hành chụp MRI đầu, CT và các cuộc kiểm tra khác. Kết quả cho thấy động mạch nền nội sọ của bà đã bị tắc nghẽn hoàn toàn, kết luận bà bị nhồi máu não tắc mạch lớn cấp tính, tình hình rất nguy kịch. Bởi vì huyết khối lớn và thời gian vàng để dùng thuốc điều trị tiêu huyết khối đã bị bỏ lỡ nên bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ huyết khối.
Khi đang nói chuyện với bác sĩ trước khi phẫu thuật, bà Hoàng đột nhiên bất tỉnh và rơi vào hôn mê.
Bệnh viện ngay lập tức tiến hành thủ thuật can thiệp đột quỵ và thực hiện cấp cứu lấy huyết khối cho bà Hoàng. Toàn bộ quá trình diễn ra suôn sẻ, ca phẫu thuật chỉ diễn ra khoảng 15 phút và các mạch máu đã được thông lại hoàn toàn.
Ảnh minh họa |
Sau ca phẫu thuật, bà Hoàng được đưa về phòng bệnh để theo dõi chặt chẽ. Khi bác sĩ khám vào sáng hôm sau, bà Hoàng đã có thể nói chuyện rõ ràng và trôi chảy, tay chân rất khỏe.
Gia đình chưa hết bàng hoàng về sự việc của bà Hoàng thì mấy ngày sau, chồng bà sau khi thức dậy vào sáng sớm, cũng bị tê một bên tay và chân. Rút kinh nghiệm từ vợ mình, ông không lãng phí thời gian, lập tức tới bệnh viện. Người ta phát hiện mạch máu của chồng bà Hoàng có các chỗ xuyên động mạch nền nội sọ bị tắc, gây nhồi máu não. May mắn thay, ông được điều trị kịp thời và tình trạng đã được cải thiện sau khi điều trị tiêu huyết khối, hai vợ chồng hiện đang ở cùng phòng bệnh.
Chỉ trong vòng một tuần, vợ chồng bà Hoàng lần lượt được đưa vào phòng bệnh vì nhồi máu não, đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Sau khi hỏi con trai bà Hoàng, bác sĩ phát hiện ra rằng vợ chồng bà thường thích ăn mặn, chế độ ăn nhiều muối là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
Các bác sĩ cho biết: Khuyến cáo rằng chế độ ăn uống hàng ngày nên tuân theo nguyên tắc ăn uống cân bằng, đa dạng hóa thực phẩm, sử dụng ít dầu và muối, giảm ăn thịt mỡ và ăn ít đồ muối chua và chế biến sẵn.
Ngoài thói quen ăn uống, thức khuya, béo phì, hút thuốc lâu ngày, mệt mỏi, thiếu vận động cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu não.
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Đặc điểm quan trọng của đột quỵ là xảy ra đột ngột nhưng trên thực tế, trước khi đột quỵ xảy ra, nhiều người đã có "tín hiệu đau khổ", đây là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, thường được gọi là "đột quỵ nhỏ". Thống kê cho thấy khoảng 1/3 số cơn đột quỵ lớn xảy ra sau khi có cơn đột quỵ nhỏ báo trước.
Các triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn (chẳng hạn như từ 2 đến 3 phút), chẳng hạn như đột ngột tê ở mặt, tay, chân và bàn chân, cử động tay chân khó khăn, nặng nề và mất linh hoạt, lưỡi cứng, nói ngọng, khó nói, chóng mặt, đi đứng không vững, rối loạn thăng bằng, mờ mắt, chứng amaurosis... cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ thoáng qua và hầu hết tự khỏi trong vòng 1 giờ sau khi khởi phát.
Vì vậy, nếu có những triệu chứng trên, bạn nên đi khám kịp thời.
Ăn nhiều muối dẫn đến nhồi máu não như thế nào?
Lượng muối ăn vào tỉ lệ thuận với mức độ tăng huyết áp. Càng ăn nhiều muối thì huyết áp càng tăng. Nguyên nhân là do muối có chứa natri, chúng sẽ làm tăng thể tích máu và dẫn đến tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao, nguy cơ nhồi máu não, xơ vữa động mạch... cũng theo đó mà tăng lên.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ quá 5 gam muối mỗi ngày, nhưng nhiều người Việt có thói quen ăn mặn, có người tiêu thụ tới 10 gam muối mỗi ngày.
Ngoài việc cho nhiều muối khi nấu nướng, những loại thực phẩm được nhiều người yêu thích đồ muối chua, hun khói, các loại thịt siêu chế biến... cũng chứa lượng muối cao. Nếu thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm này cũng thể gây ra chứng nhồi máu não.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy