Đột quỵ là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là 10 dấu hiệu hàng đầu cho thấy bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ.
1. Bạn bị huyết áp cao
Nếu bạn thường xuyên bị tăng huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Điều này được giải thích là do huyết áp cao có thể khiến các động mạch cung cấp máu và oxy cho não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, từ đó gây đột quỵ do các tế bào não không nhận đủ oxy.
May mắn là huyết áp cao có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sống lành mạnh như không hút thuốc, giảm căng thẳng,... Bạn cần thăm khám bác sĩ theo lịch tái khám và theo dõi huyết áp thường xuyên vào sáng, tối hoặc theo lời khuyên của bác sĩ chủ trị.
2. Bệnh tiểu đường
Lượng đường trong máu tăng cao mãn tính ở bệnh nhân tiểu đường cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ nếu không kiểm soát được. Theo NIH, tiểu đường có thể gây ra những thay đổi bệnh lý ở mạch máu ở nhiều vị trí khác nhau và có thể dẫn đến đột quỵ nếu mạch máu não bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong cao hơn và kết quả phục hồi sau đột quỵ kém hơn ở những bệnh nhân bị đột quỵ có mức đường huyết không được kiểm soát.
Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống hoặc thuốc trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như tiểu đường type 2.
3. Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ
Hút thuốc lá, đặc biệt là những người thường xuyên hút thuốc, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do chất hóa học từ thuốc lá làm tổn thương mạch máu, thúc đẩy sự hình thành mảng bám, cục máu đông hoặc làm suy yếu mạch máu. Nếu cục máu đông xuất hiện và di chuyển lên nã, hoặc mạch máu trong não bị vỡ sẽ gây ra đột quỵ.
Cách tốt nhất để người có thói quen hút thuốc giảm nguy cơ đột quỵ chính là bỏ thuốc.
4. Không tập thể dục đủ
1 triệu cơn đột quỵ mỗi năm có liên quan đến việc không hoạt động thể chất. Những người trưởng thành không tập thể dục thường xuyên có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 20% so với những người cùng lứa tuổi vận động thường xuyên hơn. Tập thể dục không đủ cũng được xếp hạng là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ hàng đầu thứ hai.
Bằng cách tập thể dục theo mức khuyến nghị mỗi tuần, bạn sẽ giảm nguy cơ bị đột quỵ. Tập thể dục làm giảm nguy cơ đột quỵ như thế nào? Chỉ cần 30 phút tập thể dục năm lần một tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ. Nhiều người mắc các bệnh như tiểu đường type 2, tăng huyết áp, thậm chí viêm xương khớp nhận thấy sự cải thiện khi họ bắt đầu tập thể dục thậm chí tới mức giảm bớt thuốc hoặc không cần uống thuốc duy trì hàng ngày.
5. Lượng cholesterol cao (tăng lipid máu)
Lượng cholesterol dư thừa đi vào máu của bạn và có thể gây ra sự tích tụ các chất béo tích tụ trong động mạch, khiến động mạch trở nên hẹp và cứng. Quá trình được gọi là xơ vữa động mạch. Tổn thương thành động mạch có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, cục máu đông này có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.
Điều quan trọng là phải theo dõi mức cholesterol của bạn và nỗ lực để đảm bảo bạn ở trong mức khỏe mạnh nhằm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này và các tình trạng tim mạch khác. Phạm vi cholesterol tối ưu cho cả nam và nữ trên 20 tuổi là 125 mg/dL đến 200 mg/dL.
Ưu tiên lựa chọn chế độ ăn uống để giúp giảm lượng cholesterol. Ngoài chế độ ăn uống, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol của bạn, bao gồm cả di truyền, có thể ảnh hưởng đến việc bạn có cần điều trị hay không.
6. Nghiện rượu
Uống quá nhiều rượu hay nghiện rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Mặc dù một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới được coi là chấp nhận được, nhưng uống nhiều hơn có thể làm tăng huyết áp và chất béo trung tính. Tác động này sẽ góp phần làm cứng động mạch (xơ vữa động mạch) và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
7. Béo phì
Nếu bạn béo phì, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác, bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường.
Các bước bạn có thể thực hiện để giảm lượng cân dư thừa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, điều khôn ngoan là bạn nên bắt đầu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn.
8. Không tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ
Nếu bạn mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh lý hay các vấn đề sức khỏe kể trên, việc bỏ thuốc hoặc giảm liều trái chỉ định của bác sĩ sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Điều này cũng bao gồm việc thăm khám định kì để sàng lọc các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khác.
9. Chủ quan với các dấu hiệu bệnh tim mạch
Bạn cần phải đi khám nếu cảm thấy khó thở khi đi bộ, khi leo cầu thang hoặc khi gắng sức; cảm thấy đau tức ngực hoặc đau nhói. Bệnh tim là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ và bất kỳ dạng đau ngực nào cũng là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Thăm khám sớm giúp bạn được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và can thiệp điều trị sớm nếu cần thiết. Từ đó dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh tật liên quan, bao gồm đột quỵ.
10. Phớt lờ cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) là cơn đột quỵ chỉ kéo dài vài phút. TIA xảy ra khi việc cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn trong thời gian ngắn. Các triệu chứng TIA thường xảy ra đột ngột, tương tự như đột quỵ nhưng không kéo dài.
Thật không may, vì TIA không quá rõ ràng nên nhiều người bỏ qua chúng. Nhưng chú ý đến các triệu chứng TIA có thể cứu sống bạn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì TIA là dấu hiệu cảnh báo lớn nhất rằng bạn có nguy cơ bị đột quỵ.
Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ
1. Tình trạng tê hoặc yếu đột ngột ở một bên mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể
2. Tình trạng nhầm lẫn, lú lẫn đột ngột hoặc khó nói, khó hiểu lời nói
3. Suy giảm thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai bên mắt, tầm nhìn song thị
4. Gặp rắc rối đột ngột với một vài vấn đề cụ thể như di chuyển khiến bạn bị chóng mặt, mất thăng bằng, thiếu phối hợp tay chân với não bộ
5. Bị đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ này, hãy nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.