Khi có em bé, tôi nhận thấy đa số các bậc cha mẹ đầu tư giáo dục con trẻ rất nhiều. Chúng ta tìm hiểu cách nuôi dạy trẻ trên sách báo, trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong các hội, group kín của mẹ bỉm sữa, thậm chí hướng theo cách nuôi dạy con của nhiều nước trên thế giới để con trẻ có thể phát triển tốt nhất.
Thế nhưng, cha mẹ đã quên mất một điều rất gần gũi, không cần phải học hỏi tìm tòi ở đâu xa mà nằm ngay trong chính bản thân mình là làm gương cho con. Cha mẹ cần học cách hoàn thiện bản thân mình trước khi muốn dạy dỗ trẻ một cách bài bản.
Gia đình là cái nôi hình hành nên nhân cách của mỗi con người và cách sống của người thân ảnh hưởng rất nhiều đến những thành viên khác. Đặc biệt, đối với trẻ đang trong giai đoạn hình thành tính cách.
Nhân cách một con người hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi trưởng thành. Giai đoạn tuổi thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
Trẻ từ 1-3 tuổi là dễ uốn nắn nhất vì sau 3 tuổi trẻ bắt đầu thể hiện rõ cá tính cũng như quan điểm cá nhân. Dù còn nhỏ, tính cách chưa được thể hiện rõ ràng nhưng thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh.
Lối ứng xử trong gia đình
Không phải tự nhiên mà người xưa có câu “Ớ bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Việc giáo dục con trẻ không thể chỉ bằng lời nói mà phải thông qua cử chỉ, hành vi, cách cư xử của người lớn.
Trẻ em là một cá thể riêng biệt, hãy quên đi cách dạy con bằng cách bắt ép một cá thể khác phải nghe theo mình, ngay cả bản thân chúng ta cũng không thích nghe người khác giáo huấn và đánh giá mình làm một điều gì đó là đúng hay sai.
Đối với một đứa trẻ thụ động, chúng sẽ nghe theo bạn răm rắp mà mọi người thường gọi là trẻ ngoan. Điều đó không tốt cho trẻ sau khi rời khỏi vòng tay cha mẹ. Còn đối với trẻ có cá tính thì việc nói phải nghe hoàn toàn phản tác dụng. Chúng ta thường bảo chúng ngang bướng.
Chính vì vậy, làm quá nhiều thay vì không cần làm gì cả, chỉ cần hoàn thiện chính mình qua lối sống hằng ngày trong gia đình.
Trẻ sẽ không tôn trọng người lớn nếu chúng thấy cha mẹ chúng không tôn trọng lẫn nhau, không lễ phép với người lớn tuổi. Cha mẹ hay dùng những từ ngữ khó nghe thì một ngày nào đó bạn sẽ giật mình khi nhìn thấy chính mình trong cách hành xử của trẻ qua lời nói.
Nếu cha mẹ thường xuyên cãi nhau, trẻ có thể nghĩ rằng mình là người đáng trách. Chúng không hiểu chuyện gì đang xảy ra và nghĩ rằng mình có tội.
Khi gặp các tình huống xung đột với người thân, hàng xóm, nếu bậc làm cha mẹ xử lý tình huống như thế nào thì các bé sẽ lặp lại hành vi đó trong tương lai như ở trường, với bạn bè. Vì thế giới trong mắt trẻ rất nhỏ, chúng tin tưởng cha mẹ và nghĩ cách hành xử của cha mẹ là đúng đắn, sau đó hình thành ý thức trong đầu chúng.
Cha mẹ nghiện sử dụng điện thoại
Nghiện sử dụng điện thoại có thể nói là một trường hợp phổ biến trong xã hội hiện nay. Rõ ràng, cha mẹ đều đưa điện thoại ipad cho con và bản thân cha mẹ cũng dùng điện thoại với tần suất khá nhiều.
Khi bạn cảm thấy không tốt cho con, bạn la mắng không cho trẻ sử dụng chúng. Lúc đó trẻ sẽ phản ứng như thế nào? Khóc lóc, khó chịu… Cha mẹ hãy điều chỉnh lại việc sử dụng điện thoại của mình trước khi bắt con cái từ bỏ điều đó.
Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2015 cho thấy điện thoại thông minh tiềm tàng nguy cơ khá cao đến mức độ hạnh phúc và khả năng phát triển của một đứa trẻ trong tương lai.
Đồng thời, nghiên cứu của Wall Street Journal cũng cho thấy có sự gia tăng khả năng thương tích ở trẻ mà nguyên nhân là ở điện thoại thông minh mà bố mẹ sử dụng.
Ý thức nơi công cộng
Văn hóa thể hiện sự tôn trọng người khác và sự giáo dục của bản thân. Đất nước ngày càng văn minh phát triển thì con người càng phải có ý thức cộng đồng cao hơn.
Đừng để một ngày trẻ con hỏi một câu ngây ngô khi bạn la mắng chúng xả rác trên đường: “Hôm trước con thấy mẹ làm mà”.
Người lớn chúng ta cần hoàn thiện bản thân trước khi mong muốn đào tạo một đứa trẻ hình thành một nhân cách tốt.
Khi bạn muốn giáo huấn trẻ điều gì hãy nhìn vào gương, đứa trẻ trong tương lai chính là người ở trong gương. Ý thức người lớn ảnh hưởng rất lớn trong cách nuôi dạy trẻ.