Trở ngại lớn nhất của việc học tiếng Anh
Tiếng Anh là phương tiện giao tiếp, và nó cũng gặp trở ngại của giao tiếp là ngại. Hình thái ngại cũng biến đổi khá thú vị từ trẻ 2 tuổi, qua 3-4 tuổi và sau 5 tuổi.
Trước 2 tuổi: Trẻ bắt chước bạn nói dù tiếng Việt hay tiếng Anh như máy thu và máy phát. Trẻ không ngại lặp lại từ bạn nói.
Từ 3-4 tuổi: Trẻ ít chịu nói từ tiếng Anh khi bạn yêu cầu trẻ đọc lại bởi vì trẻ bắt đầu nhận thức ngôn ngữ bạn đang yêu cầu là khác tiếng mà trẻ nói mỗi ngày. Dĩ nhiên, câu trả lời bạn hay nghe là "con không biết" hoặc trẻ không nói. Đó là cái "ái ngại" phát triển tự nhiên.
Sau 5 tuổi: Trẻ bắt đầu nhận thức về bài học tiếng Anh của bạn và bắt đầu biết nhiệm vụ sẽ học nó như 1 trò chơi. Sự ái ngại tự nhiên sẽ bị thay thế bằng trách nhiệm đạt được. Tuy nhiên, trẻ bắt đầu ngại nói sai.
Do đó, nếu bạn tạo áp lực khi dạy hoặc sửa quá nhiều lần không làm trẻ thoải mái thì trẻ sẽ có tâm lý ngại nói sai này. Dĩ nhiên, lâu dần trẻ sẽ từ bỏ nó vì cái ngại này mới là trở ngại lớn nhất.
Tôi có một vài người bạn không thể chạy xe máy được vì ngại té xe, qua một độ tuổi thì họ quyết định đi xe bus hoặc ngồi để người khác chở.
Với tiếng Anh, phần lớn người lớn hoặc trẻ sau 8 tuổi sẽ bị "ngại nói sai" làm họ đình trệ khả năng học và nói tiếng Anh. Đơn giản, bởi vì về tự nhiên sau 8 tuổi khả năng nhận biết ngữ âm của họ không còn gần đúng như người bản ngữ, bản thân họ sẽ nhận ra sự khác biệt này, cho họ cảm giác "gì đó không đúng".
Khi nói chuyện, cảm giác đó làm họ thiếu tự tin và ngại nói sai, kết quả là họ càng nói kém tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu họ biết và khắc phục cảm giác này, cũng như chấp nhận về mặt sinh học mình không phải người bản ngữ thì họ sẽ bứt phá và sẽ trở nên nói tiếng Anh tốt.
Độ tuổi trẻ nên bắt đầu học tiếng Anh
Từ 3 tuổi hoặc ít nhất dưới 8 tuổi, trẻ cần được làm quen với tiếng Anh và học cách sử dụng tiếng Anh bài bản.
Sau 8 tuổi, trẻ vẫn có thể học và nói tiếng Anh tốt, chỉ là bạn phải nỗ lực khuyến khích trẻ nhiều trong giao tiếp và sử dụng tiếng Anh, tham gia các cuộc thi tiếng Anh từ địa phương đến quốc tế để gia tăng khả năng tự tin của trẻ.
Giải pháp cho tâm lý e ngại khi trẻ học tiếng Anh ở từng thời điểm
Sự ái ngại là một hành vi phát triển tự nhiên ở trẻ từ 3-5 tuổi, thường diễn ra khi trẻ bắt đầu có nhận thức sự tồn tại giữa một vật quen thuộc và một vật không quen thuộc.
Để phá vỡ hành vi này, bạn chỉ cần làm trẻ trở nên thích thú và quen thuộc như một trò chơi. Do đó, dạy tiếng Anh của trẻ ở độ tuổi này là vừa chơi vừa học, vừa chơi vừa giao tiếp.
Ví dụ: Bạn dạy trẻ từ Puppy (con chó con).
Gia tăng ái ngại khi bạn chỉ vào từ đó và nói cho trẻ nghe phát âm rồi bắt trẻ nói lại.
Phá vỡ ái ngại bằng cách: Bạn chỉ vào từ đó và gợi ý tiếng kêu của con vật "gâu gâu" hoặc cho trẻ xem hình chó con bằng bông, dùng cử chỉ cơ thể để gợi ý trẻ về con chó.
Sau đó, cho trẻ nghe phát âm, bạn nói từ đó 3 lần. Khi hỏi lại, bạn hỏi "con gì kêu gâu gâu nè con", trẻ sẽ trả lời bạn ngay, bởi vì trẻ cảm thấy thích thú khi "nhặt" được từ đó trong sự ghi nhớ trước đó.
Bạn phải cho trẻ có vai trò và cảm thấy thích thú khi cho đáp án thì mới phá vỡ được ái ngại của trẻ. Bằng không, tôi tin chắc rằng trẻ không muốn nói gì. Bạn tức giận quát mắng trẻ, tôi tin rằng trẻ sẽ ghét luôn hoạt động này và lần sau trẻ không muốn nữa. Kết quả, bạn phải bỏ cuộc và đợi.
Tâm lý ngại nói sai là hành vi phát triển khi trẻ có nhận thức và có ghi nhớ về chuỗi đáp ứng hành vi trước đó nếu nó tiêu cực hoặc tự bản thân cho là vậy. Hành vi này nếu không được phát hiện hoặc không khuyến khích bé phá vỡ thì rất dễ gắn liền với tự ti ở trẻ.
Tránh những điều sau để không làm trẻ phát triển hành vi này: Phạt, ép trẻ, la mắng khi dạy.
Hãy cho trẻ biết hoặc ít nhất cũng cảm thấy rằng cha mẹ cũng sẽ nói sai. Để không nói sai chỉ cần luyện tập. Đó là triết lí giáo dục bạn cần dạy trẻ.
Những phương pháp hỗ trợ cha mẹ dạy tiếng Anh cho trẻ
Khi trẻ phát âm đúng hoặc đọc đúng từ bé đã học, hãy khen và cho trẻ một lần đập tay chúc mừng và nói trẻ lặp lại 3 lần. Khi trẻ phát âm sai, không nhớ từ bé đã học, đừng vội sửa trẻ ngay. Hãy giúp trẻ nhớ ra điều gì liên quan đến từ đó.
Trong tiếng Anh, học phát âm như học từ mới, học từ nào biết cách phát âm từ đó. Không nhìn mặt chữ để đoán cách đọc như cách đọc tiếng Việt.
Do đó, nên dạy từng từ mới và học cách phát âm từng từ một, tránh để trẻ hiểu lầm nhìn vào mặt chữ tự đoán phát âm của từ đó trước 8 tuổi. Đây là cách giúp trẻ gia tăng khả năng phát âm đúng và chính xác.