Một tình huống tôi gặp: Đứa trẻ cùng mẹ đi ngang tiệm kem. Cậu bé liền nói mẹ mua cho mình 1 cây kem. Tuy nhiên, người mẹ nghĩ rằng kem không tốt cho sức khỏe. Người mẹ quyết định không mua, nhưng cậu bé đứng lại và khóc.
Mẹ cậu bé yêu cầu em đi sau tiếng đếm thứ 3 hoặc mẹ sẽ để con ở lại. Sau 3 tiếng, người mẹ giả vờ bỏ đi để mặc cậu bé gào khóc. Sau đó, cậu bé cũng phải chạy theo khi nhìn thấy mẹ đi xa.
Bạn nghĩ rằng: Cậu bé có tự biết suy nghĩ để không đòi nữa ở lần sau?
Trẻ sẽ trở thành người như thế nào?
Nhiều cha mẹ muốn con tự lập, muốn con biết tự suy nghĩ nhưng cách giáo dục đôi lúc rập khuôn và cứng nhắc có thể làm trẻ đi sai định hướng giáo dục của bạn.
Theo Tiến sĩ Taylor, Đại học San Francisco (Mĩ), tự lập là cách giáo dục mà ở đó trẻ tìm thấy sự giao nhau của 2 chiều:
Chiều 1: Niềm tin của bạn vào trẻ và vào trải nghiệm của trẻ.
Chiều 2: Sự hướng dẫn của bạn cho trẻ biết cách trải nghiệm.
Khi có sự giao nhau, trẻ mới đạt được sự tự do trải nghiệm, học hỏi cái mới và hoàn thiện bản thân. Đó là quy trình cho sự tự lập phát triển.
Nếu thiếu chiều thứ 1: Trẻ có thể sẽ trở thành một trong hai dạng sau:
- Người thích lo chuyện mọi người, nhưng không có phán xét
- Người không có ý định đặt mục tiêu cao hơn mức trung bình
Nếu thiếu chiều thứ 2: Trẻ có thể là 1 trong 3 người sau:
- Người lỗ mãng và hành động thiếu phân tích
- Người khôn lõi, nhưng theo cách không đúng đắn
- Người hay bất đồng, thiếu lắng nghe
Nếu thiếu cả 2 chiều, trẻ có thể là người mang suy nghĩ lệ thuộc vào người khác.
Cách dạy trẻ tự lập
Nhiều cha mẹ có quan niệm về dạy con tự lập, thường cho rằng con khóc cứ để cho khóc, con ngã có thể tự đứng lên, con làm sai phải chịu phạt...
Quan niệm này không sai. Tuy nhiên, chúng ta hiểu chưa đúng ý nghĩa và đang làm sai. Giống như phân tích của TS.Taylor, dạy trẻ tự lập là cha mẹ cho trẻ sự hướng dẫn và tin vào việc trẻ có thể làm, chứ chưa bao giờ bỏ mặc trẻ.
Do đó, chúng ta nên hiểu đúng là: Khi trẻ làm cái gì sai (chạy chơi nhanh quá té ngã), việc bạn đỡ bé dậy hay không đỡ không thể hiện cách dạy tự lập của bạn. Cách dạy tự lập của bạn đúng như sau:
Nếu bạn muốn đỡ bé dậy (hoặc bạn đang rảnh tay có thể giúp), thì hãy cứ làm. Sau đó, hãy nói: "Con biết tại sao con bị ngã không?" (chiều số 2). "Lần này tay mẹ không xách đồ có thể đỡ con dậy, lần sau nếu mẹ bận hoặc không có ở đây, con biết tự đứng dậy phải không!" (chiều số 1).
Nếu bạn không muốn đỡ bé dậy (hoặc bận tay không đỡ được), cũng không quan trọng. Bạn hãy nói: "Không khóc, con đứng dậy được không?" (chiều số 1), "Hãy chống tay để ngồi dậy là được" (chiều số 2).
Quan trọng là trẻ học được gì về sự tự lập?
Không phải là trẻ cứ làm được là trẻ đã học về sự tự lập. Đây là một quy trình để trẻ hiểu rằng trẻ có đủ phương pháp, công cụ để làm và cha mẹ tin điều đó. Quy trình lột xác về nhận thức mới là chính, không phải là chịu càng nhiều khổ hạnh và bỏ bê, trẻ mới lớn được.
Điều gì xảy ra khi cha mẹ không hướng dẫn trẻ mà để con tự nhận ra?
Trở lại tình huống đầu bài, đây có thể là một số phương án mà cậu bé sẽ đáp ứng lại cách giải quyết lần thứ nhất của mẹ khi gặp trường hợp tương tự:
- Cậu bé không khóc như lần trước, không đòi, chỉ đứng đó chỉ mẹ xem cái này cái kia, dường như đang kéo dài thời gian ở lại.
- Cậu bé sẽ gọi ba đón cậu bé, thay vì mẹ (có lẽ ba sẽ chiều bé hơn)
- Cậu bé vẫn tiếp tục vòi và khóc, thậm chí trước khi đi đến và cố tìm 1 cách để nhận ra với thái độ nào mà làm mẹ cậu phải mua như khóc lớn tiếng, nằm ăn vạ, khóc và ói, khóc và ho... Vì cậu bé nhận ra mẹ chẳng đi đâu được xa.
Cách xử lý mà người mẹ có thể làm tốt hơn và dạy con được sự tự lập:
Việc cho phép trẻ ăn kem hay không ăn không ảnh hưởng đến quá trình dạy trẻ tự lập của chúng ta. Nó là quyết định của bạn. Điều quan trọng là lời giải thích, lí do, và hướng dẫn làm sao giúp trẻ nhận để tự đưa quyết định của trẻ.
Quan trọng hơn, bạn cần đưa ra lí do thật dẫn đến quyết định cho trẻ ăn hay không ăn kem của bạn. Giúp trẻ nhận ra lí do này và tự đưa ra quyết định của trẻ là điều mà sự tự lập phát triển. Tôi cần lí do thật bởi bạn sẽ không quên nếu trẻ hỏi lại nó, lí do bạn bịa thì có lúc làm bạn trở thành người nói dối trước mặt trẻ.
Khi bạn cho phép trẻ ăn, bạn cứ vui vẻ và nói: Được, mẹ có sẵn 10 nghìn trong túi, con giúp mẹ lấy nó được không. Đừng tỏ thái độ hằn học, bực nhọc khi bạn đã quyết định cho rồi.
Khi bạn không cho trẻ ăn kem vì lí do nào, hãy nói cho trẻ biết. Ví dụ: Mẹ đã để ví tiền ở cốp xe rồi hoặc mẹ không mang tiền mặt, đợi mẹ hỏi họ có chấp nhận thẻ không? Hoặc lí do bạn nghĩ kem không tốt vì kém vệ sinh hoặc quá ngọt. Bạn cứ nói: Mẹ nghĩ kem ở đây không tốt, chúng ta có thể ăn ở tiệm khác hoặc mẹ cũng biết làm kem, con muốn làm kem với mẹ không?
Khi bạn nói thật quan điểm của bạn và tin vào quyết định của trẻ sau khi nghe quan điểm "Có" hoặc "Không" của bạn thì bạn đã tin vào trẻ (chiều thứ 1). Chính cách bạn trả lời thật suy nghĩ và quyết định của bạn sẽ mở cuộc đối thoại thành 1 cuộc thương lượng, ở đó trẻ được học về phương pháp (chiều thứ 2)
Khi bạn nói không có tiền mặt, hãy hỏi trẻ: "Liệu cô có chấp nhận trả thẻ không con? Con có thể đến hỏi cô giúp mẹ được không?" Bạn có thể tìm ra hằng trăm cách để giúp trẻ nhận ra vấn đề bạn và bé đang có và làm sao giải quyết nó hơn là cấm và ép trẻ tự từ bỏ
Khi bạn chấp nhận mua kem, bạn có thể nhờ trẻ cầm giúp món đồ trên tay hoặc giúp bạn lấy tiền và tự đi mua.
Sau khi mua xong, trên đường về bạn thử hỏi trẻ về việc xếp hàng khi mua kem, vị kem con yêu thích... để củng cố quy trình vừa trải nghiệm đồng thời giúp trẻ phát triển cảm xúc. Trẻ con sẽ tự lập hơn khi bắt đầu nhận ra từng thay đổi nhỏ ở mỗi trải nghiệm.