Cư dân mạng xôn xao về món thịt 'lạ'
Thông tin từ Báo Phụ nữ Thủ đô cho hay, một người dùng mạng mới đây vừa đăng tải bài viết về món ăn độc đáo ở quê mình, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với cái tên “lợn bản hạ thổ”. Theo đó, người này quảng cáo: “Nếu thấy chủ nhà lôi ra hộp gì đó trông như mỡ lợn, có mùi chua chua thì đừng từ chối nhé vì đấy là đặc sản thịt lợn bản hạ thổ đó, khách quý lắm mới mở ra mời”.
Đáng nói là cách thức chế biến món này khiến dân tình xôn xao, khó tin đó là sự thật: “Miếng thịt sống được tẩm ướp sau đó đem chôn dưới đất khoảng 2 - 3 năm mới lôi lên để ăn. Điều đặc biệt là thịt khi đó dù nhơn nhớt nhưng mùi lại rất thơm”.
Hàng nghìn bình luận đã được để lại dưới bài đăng của người dùng mạng nọ, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về món ăn lạ. Có người tỏ ra hào hứng, mong được nếm thử món ăn này, phỏng đoán chắc nó cũng tương tự các món nem chua, gỏi cá gỏi tôm sống… đã khá quen thuộc trong ẩm thực Việt. Có người lại bày tỏ sự sợ hãi, bởi không tin vào việc thịt sau 2 - 3 năm hạ thổ có thể còn ăn được.
Phần gia vị có vẻ hòa quyện, nhưng hương vị của món này làm netizen tò mò.
Dân mạng bàn tán:
- Thịt bò sống tôi cũng đã ăn rồi, gỏi cá suối tươi cũng đã từng thử qua, thực sự tò mò về món này đó!
- Có thật là có món này trên đời không, tôi cũng quê Phú Thọ mà lần đầu được nghe.
- Họ tẩm ướp bảo quản kiểu gì mà không bị phân hủy nhỉ?
- Nói là khách quý mới mời, nhưng tôi xin phép được ăn món khác.
Ăn 'thịt lợn hạ thổ' chôn 2-3 năm dưới đất có nguy hại?
Theo Bài đăng chia sẻ trên Báo VnExpress, từ xa xưa, khi cuộc sống khó khăn, không có phương tiện dự trữ lương thực, thực phẩm lâu dài, con người tự tìm ra giải pháp để bảo quản thịt trong ngày đông tháng giá hoặc những ngày không có lương thực. Ví dụ, thịt lợn được tẩm ướp, sau đó treo trên gác bếp, có thể bảo quản lên tới 5-7 năm; hoặc thổ dân, du mục giết động vật, đem thui, sau đó tẩm ướp, bảo quản theo cách riêng, có thể lưu giữ hàng năm.
Món thịt lợn hạ thổ thực chất là cách ăn không phổ biến, cũng không được bán tại nhà hàng mà chỉ xuất hiện ở một số địa phương. Về nguyên lý, khi thịt chôn dưới đất là nhiệt độ thấp, thêm các chất phụ gia làm chậm quá trình phân hủy, khiến miếng thịt để được lâu hơn.
Vấn đề là chúng ta không thể biết được chính xác quy trình, cách thức chế biến, cũng như không có kết luận về mặt khoa học về quá trình biến đổi của thịt. Chưa kể, không có thống kê hoặc những trường hợp gặp sự cố khi ăn món này, nên khó để nói là tốt hay xấu.
Hiện, một số người dân địa phương ăn sản phẩm này một cách bình thường như món hàng ngày, chưa ghi nhận gây hại sức khỏe, nên chưa có căn cứ để kết luận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thực phẩm ủ chua như thịt, cá cho vào hộp thủy tinh hoặc nhựa đóng kín, lấy ra ăn sau một thời gian, có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn C.botulium phát triển. Đây là vi khuẩn mang đặc điểm kỵ khí, sinh sôi, phát triển ở môi trường kín, có thể sinh độc tố botulinum cực nguy hiểm.
Cách ăn uống tránh ngộ độc thực phẩm
Chia sẻ của Vinmec cho hay, nếu thức ăn không được nấu chín hoặc hoa quả, rau xanh không được rửa sạch thì các loại vi khuẩn sót lại trên bề mặt và gây bệnh đối với đường ruột của con người.
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn phòng tránh ngộ độc do thực phẩm:
1. Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn đã nấu chín
Khi đi chợ, mọi người nên tách riêng các loại thịt, thực phẩm từ gia cầm, không cho lẫn vào rau. Bọc kín từng loại thịt này trong túi nilon để nước chảy ra không dính vào thực phẩm khác.
Nếu thực phẩm chưa chế biến ngay cần cho vào tủ lạnh bảo quản. Thịt, cá, tôm... khi mua về nên rửa sạch, cho vào túi bóng hay hộp nhựa riêng với từng loại thực phẩm rồi để vào tủ lạnh. Những thực phẩm này nên để ở dưới cùng ngăn bảo quản lạnh, vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt các thực phẩm khác. Rau quả cần để vào ngăn mát của tủ lạnh. Thức ăn chín không đựng vào dụng cụ vừa đựng thực phẩm sống, nhất là thịt, cá...
2. Ăn ngay khi nấu
Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Theo các chuyên gia, thức ăn an toàn cần nấu chín ở nhiệt độ 70-100 độ C để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Nên ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín xong.
3. Ăn uống an toàn bên ngoài
Khi ra ngoài ăn tiệm, dù là nhà hàng bình thường hay sang trọng, bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh hay ngộ độc. Sự cảnh giác không bao giờ thừa.
Bạn có thể lưu ý khi gọi thức ăn. Với cà chua, được nấu ở nhiệt độ 62 độ C là an toàn cho tiêu hóa và thịt là 66 độ C. Và khi gọi món thịt bò thì hãy lưu ý nhà hàng ít nhất phải làm nó chín tới hoặc chỉ hơi tái, tốt nhất không nên ăn tái.
4. Đun lại thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh
Theo ông Trịnh Ngọc Khải - Chủ tịch CLB đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội chia sẻ trên Vinmec, nhiều người có thói quen bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh, khi ăn mới đun nấu lại. Như thế không tốt bởi tủ lạnh chỉ kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể diệt khuẩn.
Hãy đun sôi diệt khuẩn, để nguội mới cất vào tủ lạnh. Khi ăn nên hâm nóng ở nhiệt độ 70-100 độ C mới an toàn. Nếu để thực phẩm ở môi trường ngoài trời quá 4 tiếng rất dễ biến chất và ngộ độc. Nên bảo quản thực phẩm, đồ ăn thức uống ở điều kiện che đậy, nhiệt độ dưới 4 độ C.
5. Rửa sạch tay, và bề mặt tất cả dụng cụ bếp cũng như thực phẩm, rau xanh tươi sống
Luôn rửa sạch rau quả không cần biết là nguồn gốc từ đâu, có phải là sản phẩm tự nhiên hay không. Dù bạn ăn nó trực tiếp cả vỏ hay gọt vỏ thì hãy nhớ phải rửa thật sạch các loại rau xanh và hoa quả tươi đó.
Rửa các loại rau quả dưới vòi nước chảy và cọ nhẹ bề mặt rau quả bằng một miếng bông hoặc bàn chải mềm là tốt nhất. Kể cả hoa quả bóc vỏ cũng cần được rửa vì khi bóc chúng những ngón tay bạn có thể dính vi khuẩn và truyền sang phần thịt quả.
Trước khi bốc hoặc chạm vào thức ăn hãy rửa tay thật sạch bằng nước ấm và xà phòng. Luôn làm sạch thớt, các loại dao dĩa, đũa thìa, bề mặt bàn bếp, những nơi thường có tiếp xúc với thức ăn sống. Nếu có thể bạn hãy dùng thớt và dao riêng cho thịt chín và các đồ sống thì dùng cái khác.