Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm do nhiễm trùng hoặc dị ứng, xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Một số loại đau mắt đỏ rất dễ lây lan từ người này sang người khác, nhưng nhiều loại khác thì không. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng và khoảng thời gian dễ mắc bệnh là từ đầu hè đến cuối thu.
Viêm kết mạc có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Đau mắt đỏ có thể gây các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách…
Đau mắt đỏ nếu được khám và chẩn đoán là viêm kết mạc cấp, thường có 3 nhóm bệnh do 3 loại nguyên nhân gây ra:
Do virút: triệu chứng rầm rộ: mắt đỏ, xốn cộm, nhiều ghèn, nhiều dịch tiết; có thể có triệu chứng toàn thân như là hơi sốt, nổi hạch trước tai, đau họng…
Do vi trùng: mắt bị đỏ, ngoài ghèn, dịch tiết, còn kèm theo mủ do tình trạng nhiễm trùng.
Dị ứng: ngoài chuyện đỏ mắt, ghèn, dịch tiết, bệnh nhân thường bị ngứa và phù quanh mắt, mi mắt hơi sưng.
Dẫn tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm kết mạc, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong vài ngày sau đó. Mắt bớt đỏ, bớt chảy nước mắt, trẻ không còn bị ngứa mắt, xốn mắt và có thể trở lại học tập, vui chơi như bình thường.
Tuy nhiên, trong những ngày chăm sóc con tại nhà, nếu thấy 5 triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm tại phòng khám chuyên khoa mắt:
- Các triệu chứng không thuyên giảm trên 10 ngày.
- Thay đổi trong tầm nhìn.
- Đau mắt dữ dội.
- Nhạy cảm quá mức với ánh sáng.
- Sưng húp mí mắt.
Các dấu hiệu trên có thể khiến nghi ngờ đến khả năng viêm kết mạc biến chứng. Lúc này, việc can thiệp y tế chuyên biệt là vô cùng cần thiết giúp bảo vệ đôi mắt cho con bạn.