Amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp nghiêm trọng nhất. Ước tính một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp có liên quan amiăng, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết tại hội thảo Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng ngày 24/4.
Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp. Ngoài ra, amiăng có trong một số vật liệu, sản phẩm cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần... Những công việc có thể phát sinh bụi amiăng chủ yếu trong quá trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn... Các dạng chất khác nhau chủ yếu của amiăng như amiăng trắng, xanh và nâu...
Phó giáo sư Lương Thị Mai Anh, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết sợi amiăng xâm nhập vào cơ thể gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động hít phải sợi amiăng phát tán trong môi trường. Ngoài ra, chất này có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa.
"Phơi nhiễm với amiăng, kể cả amiăng trắng, gây ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng tức xơ hóa phổi", bà Mai Anh nói.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết sợi amiăng được hít vào qua đường hô hấp sẽ xâm nhập vào phổi và tồn tại trong một thời gian dài do quá trình thanh thải thường thất bại. Sợi amiăng không được thanh thải sẽ gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10 đến 40 năm.
Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định đến 80% ca ung thư trung biểu mô ở Việt Nam có liên quan đến amiăng.
Tại Hàn Quốc, ca bệnh đầu tiên ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng được xác định là một nữ công nhân, năm 1993. Một năm sau, ca bệnh này được công nhận là có liên quan đến công việc. Bệnh nhân có 19 năm làm việc tại một nhà máy dệt amiăng.
Mỗi năm, Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD để đền bù cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan amiăng. Đầu năm 2018, có hơn 2.800 người được bồi thường. Năm 2015, Hàn Quốc đã cấm triệt để dùng chất này trong mọi lĩnh vực.
Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.
Trước gánh nặng bệnh tật và tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
"Các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được. Cách hiệu quả nhất là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiăng để phòng ngừa phơi nhiễm", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.