Đó là trường hợp của gia đình bé A. (ngụ TPHCM), cùng cha nhập viện những ngày đầu tháng 11 vì nhiễm sốt xuất huyết, với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Mới 12 tuổi nhưng bé gái nặng đến 65kg. Trước đó 1 tuần, mẹ bé cũng phải vào viện vì căn bệnh nguy hiểm trên.
Quá trình điều trị, sức khỏe người bố ổn định, riêng bé sốt cao 39-40 độ. Đến ngày thứ 5, bé hết sốt nhưng huyết áp giảm, tiểu cầu hạ xuống dưới 10.000/micro lít máu (bình thường là 150.000-400.000/micro lít máu), chảy máu mũi không cầm được.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi sốc do sốt xuất huyết nặng, huyết áp kẹt, có thể dẫn đến tuần hoàn giảm hoặc ứ trệ, thậm chí suy tim. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, cầm máu, truyền thêm tiểu cầu và chăm sóc tích cực. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bé ổn định và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi cho biết, trẻ mắc sốt xuất huyết có thể trở nặng trong vài giờ. Thời điểm sốc của bệnh nhi thường ở ngày thứ 3-5 của bệnh, với các triệu chứng li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh, tụt huyết áp.
Trong trường hợp nặng, trẻ chảy máu cam ở mũi, vùng kín hoặc xuất huyết nội tạng.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu của một bệnh viện ở Indonesia, tỷ lệ trẻ béo phì nhiễm sốt xuất huyết có sốc chiếm gần 41%. Một nghiên cứu khác chỉ ra 4 lý do chính khiến trẻ béo phì dễ chuyển biến nặng khi sốt xuất huyết.
Đầu tiên, béo phì làm giảm men AMP-Protein Kinase (AMPK), dẫn đến sự tích tụ lipid trong nội bào, tạo điều kiện cho virus nhân lên. Thứ hai, các hormone sản xuất adipokine làm viêm kéo dài ở người béo phì có thể gây ra rối loạn chức năng nội mô và tiểu cầu, dễ gây xuất huyết.
Việc thừa cân quá nhiều cũng tác động lên quá trình điều hòa miễn dịch, làm giảm chức năng tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), phản ứng của tế bào B và T. Đồng thời, béo phì làm tăng khả năng xử lý trước các phản ứng cytokine, gây viêm mạnh hơn sau khi nhiễm virus.
Ngoài bệnh nhi béo phì, trẻ nhũ nhi cũng có nguy cơ trở nặng nếu mắc sốt xuất huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu. Vaccine phòng bệnh cũng chưa được cấp phép sử dụng ở Việt Nam.
Do đó, người dân không nên chủ quan vì dịch bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến tuần 44 của năm, TPHCM đã phát hiện hơn 15.500 ca sốt xuất huyết.
Trong tuần 44 (từ ngày 30/10 đến ngày 5/11), địa phương ghi nhận 493 trường hợp mắc bệnh, tăng nhẹ so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận Bình Thạnh và quận 8.