Trong các bộ phận trong cơ thể, thận là cơ quan nội tạng quan trọng đối với sự sống của con người. Thận khỏe mạnh sẽ giúp quá trình lọc máu diễn ra tự nhiên, đào thải độc tố, các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Vì bất kỳ một lý do nào đó khiến thận suy yếu, không thể thực hiện được chức năng sẽ dẫn tới ứ trệ các chất độc làm tổn thương thận và tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể.
6 thói quen tàn phá thận, cần từ bỏ càng sớm càng tốt
Chế độ ăn thiếu khoa học
Thói quen ăn nhiều thịt và các chế phẩm từ thịt sẽ gây tăng gánh nặng cho cơ quan này, thậm chí làm tổn thương thận.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chúng ta nên hạn chế ăn quá nhiều thịt, đồng thời xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học để bảo vệ tốt "nhà máy xử lý nước thải" của cơ thể.
Ăn quá mặn
Hấp thu quá nhiều muối sẽ làm tăng áp lực đối với thận, lâu ngày còn dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng của cơ quan này.
Đồng thời, việc ăn quá mặn còn là một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao, máu thận khó lưu thông và gây ra bệnh lý.
Uống không đủ nước
Nhiều người thường nghĩ rằng, việc uống nhiều nước sẽ khiến cơ thể đi vệ sinh nhiều, gây bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng tới công việc.
Tuy nhiên, họ không biết rằng, nếu cơ thể không thường xuyên được "tiếp nước", lượng nước tiểu sẽ bị suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc thận không đủ khả năng lọc các chất thải ra khỏi cơ thể, khiến độc tố tích tụ lâu ngày và gây ra nhiều nguy hại.
Dùng nhiều loại thuốc
Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài gây nhiều tác hại đối với thận. Nguyên nhân là bởi thuốc khi vào cơ thể đa số được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận. Do vậy, ở hai cơ quan này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi bệnh nhân phải dùng thuốc, đặc biệt là đối với những bệnh nhân phải dùng thuốc lâu ngày.
Uống nước ngọt và bia rượu
Bia rượu và thói quen uống quá nhiều nước ngọt và đồ uống thể thao là một trong những tác nhân chủ yếu gây tổn thương thận. Nguyên nhân là bởi những loại đồ uống này đều có tính acid cao và làm mất cân bằng nồng độ pH trong cơ thể.
Trong khi đó, thận lại đóng vai trò điều tiết độ pH. Vì vậy, việc thường xuyên uống nước ngọt hay đồ uống thể thao đều làm tăng áp lực và gây tổn thương cho cơ quan này.
Thường xuyên thức khuya
"Kẻ thù" hàng đầu của thận nói riêng và cả cơ thể nói chung chính là thói quen tai hại xuất hiện ở nhiều người – thức khuya.
Thường xuyên thức đêm, làm việc và nghỉ ngơi không có quy luật sẽ làm tiêu hao một lượng máu lớn trong cơ thể, khiến thể xác và tinh thần đều mỏi mệt, dẫn đến thận tinh bị thiếu hụt.
4 dấu hiệu khi ngủ cảnh báo bệnh thận
Tiểu đêm
Tiểu đêm là tình trạng mà người mắc phải thức dậy thường xuyên vào ban đêm để đi tiểu. Ở người lớn tuổi, thỉnh thoảng thức dậy đi tiểu vào ban đêm là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ độ tuổi nào mà tình trạng này kéo dài, khiến thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu thì rất có thể do bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là vấn đề về thận.
Tỉnh táo vào ban đêm
Hoóc môn melatonin chịu trách nhiệm chính cho nhịp sinh học ngủ - thức của cơ thể. Ở người bình thường, melatonin sẽ thấp vào ban ngày và tăng vào ban đêm. Nhờ đó, chúng ta cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và bắt đầu buồn ngủ khi đêm xuống.
Với bệnh thận, nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ melatonin trong cơ thể người bệnh thấp hơn đáng kể vào ban đêm. Chính điều này khiến họ tỉnh táo và rất khó ngủ.
Ngứa da
Ngứa da do bệnh thận có thể xuất hiện cả vào ban đêm và ban ngày. Nguyên nhân là do chức năng thận suy giảm đã không còn giữ được mức độ cân bằng của khoáng chất trong máu, dẫn đến mất cân bằng điện giải. Hệ quả là gây ngứa da.
Chuột rút
Một tác động khác của mất cân bằng điện giải là gây chuột rút. Nồng độ canxi thấp và phốt pho trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm ở người bị bệnh thận.