Châu Phi là nơi sinh sống và làm việc của hơn 2 triệu người Trung Quốc, nhiều trong số đó trở về quê nhà ăn tết và rồi trở lại.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, châu Phi đón khoảng 8 chuyến bay từ Trung Quốc trong một ngày. Khách du lịch thường đi thành nhóm đông, sử dụng Etopian Airlines, hãng hàng không lớn nhất tại đây. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát và lan khắp thế giới, châu Phi vẫn gần như miễn dịch.
Các chuyên gia y tế thế giới đưa ra lời giải thích vô cùng đơn giản. Có thể, hệ thống y tế tại đây chưa tìm ra các ca dương tính. Tính đến giữa tháng 2, chỉ hai quốc gia châu Phi là Senegal và Nam Phi có phòng thí nghiệm đủ khả năng phát hiện virus.
Isaac Ngere, một chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh tại Kenya nói: "Chúng tôi không rõ đã có trường hợp nhiễm virus corona chủng mới hay chưa. Có thể vài người đã bị lây nhưng không được phát hiện".
Tuần trước, đội ngũ y tế từ hơn 10 quốc gia đã có buổi gặp mặt tại Senegal để tìm hiểu về cách chẩn đoán nCoV. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi, hiện 19 nước bao gồm Nigeria, Gabon, Cameroon, Ethiopia, Kenya, Zambia và Sierra Leone đã có thể tự xét nghiệm nCoV.
WHO cũng đã khoanh vùng 13 quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Họ cho biết đã phái các chuyên gia tới 8 nước để phối hợp chuẩn bị dập dịch.
Tại Sierra Leone, hơn 30 người Trung Quốc nhập cảnh vào tuần trước đã bị cách ly tại Freetown.
Tiến sĩ Mohamed Alex Vandy, Giám đốc Cơ quan Quản lý An ninh Y tế Khẩn cấp của thành phố cho biết: "Bất cứ ai, dù là nhà ngoại giao Trung Quốc, Sierra Leone hay Nigeria, miễn là hộ chiếu cho thấy vừa rời Trung Quốc trong vòng 14 ngày, chúng tôi sẽ giữ và cách ly ngay khi họ đặt chân qua biên giới".
"Không phải vì họ đã nhiễm bệnh hay phạm tội. Đây là một biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn cho công dân", ông bổ sung.
Theo ông Isaac Ngere, bằng cách sàng lọc và khả năng xét nghiệm tại chỗ, có thể sắp tới lục địa này sẽ ghi nhận các trường hợp nhiễm corona.
Trong khi đó, Paul Hunter, chuyên gia về truyền nhiễm và dịch bệnh tại Anh nhận định sự "vắng mặt" của nCoV tại châu Phi phần lớn là do may mắn.
"Nếu nhìn vào cách mà Covid-19 đã lây lan sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, bạn sẽ thấy nó phụ thuộc khá nhiều vào mật độ đi lại. Việc châu Phi chưa ghi nhận trường hợp dương tính không phải điều gì quá đặc thù, đó chỉ là sự may rủi", ông nói.
Một giả thiết khác được đặt ra là Covid-19 không thể phát triển mạnh bởi châu Phi quá ấm.
nCoV thuộc họ corona, trong đó một vài chủng virus gây ra cảm lạnh và cúm thông thường - các loại bệnh mang tính thời vụ. Chúng bùng phát ở một thời điểm nhất định và dần suy yếu theo mùa.
Nhiều loại bệnh cúm đạt đỉnh vào mùa đông, khi không khí khô, lạnh và giọt bắn của người bệnh khi hắt hơi dễ dàng lan truyền trong không khí hơn. Virus chết đi khi thời tiết ấm dần.
"Khi khí hậu ấm và ẩm hơn, các giọt bắn (chứa virus) có xu hướng rơi khỏi vùng không khí nhanh hơn, do đó sự lây truyền bị hạn chế", Yap Boum, đại diện Châu Phi của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả chủng virus corona đều lây qua giọt bắn. Ông Boum cảnh báo còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về đường truyền của Covid-19. Ông nói: "Sẽ khôn ngoan nếu các nước châu Phi, khu vực sắp vào mùa đông, tận dụng thời điểm này để theo dõi ảnh hưởng của thời tiết lên virus corona".
Nhà dịch tễ học Paul Hunter nhấn mạnh, dịch Covid-19 "chưa bùng phát đủ lâu" để nghiên cứu về sự thay đổi của virus theo mùa. Tuy nhiên ngay cả khi có khả năng dịch bùng phát ở châu Phi, ông cho rằng khu vực sẽ khó bị ảnh hưởng nặng nề như Trung Quốc.
"Bệnh lây qua giọt bắn thường không phải vấn đề lớn ở châu Phi", ông nói. Điều này từng xảy ra trong đợt dịch SARS năm 2003. Căn bệnh đã lây lan tới 26 quốc gia, giết chết gần 800 người nhưng không tác động nhiều đến lục địa này.
Bên cạnh đó, người dân châu Phi thường không sống chen chúc thành các khu vực đông dân. Họ cũng hoạt động ngoài trời nhiều hơn so với đa số các nước phía bắc.
Trên các nền tảng truyền thông xã hội, đã có những tin đồn về việc người châu Phi có hệ miễn dịch đặc biệt chống lại virus corona. Tuy nhiên các chuyên gia mạnh mẽ bác bỏ luận điểm vô căn cứ này.
"Đó là điều vô lý. Đến nay chưa có bằng chứng liên quan. Đây là một tin tức giả, sai sự thật", ông Paul nói.