Thanh Châu, một nhân viên ngành bưu điện, rất thích khiêu vũ, cuối tuần, cô hay đến vũ trường với bạn bè. Những bước nhảy điêu luyện tạo cho cô một vóc dáng trẻ trung, mềm mại, duyên dáng. Một lần, trong tiệc sinh nhật bạn, cô quen với Mạnh, kỹ sư ở khu chế xuất. Họ hẹn hò và cưới nhau sau hai năm tìm hiểu.
Châu đưa chồng đến vũ trường. Không còn nhiệt tình như lúc mới quen, anh miễn cưỡng đi theo và cố gắng chịu đựng sự náo nhiệt. Mấy lần, nhìn thấy ông xã mình ra ngoài hút thuốc, Châu cũng không còn hào hứng khiêu vũ. Tuy Mạnh tỏ ra tôn trọng sở thích của vợ, nhưng Châu lại có cảm giác tội lỗi, khi đi chơi mà để ông xã ở nhà một mình. Hơn nữa, dư luận, nhất là họ hàng bên chồng sẽ chẳng để yên cho người vợ một mình đến vũ trường.
Cô mông lung nghĩ đến khoảng cách vợ chồng, rồi bỏ dần niềm vui riêng của mình. Nhưng rồi, cuộc hôn nhân của cô cũng chẳng có nhiều niềm vui chung. Ông xã cô vẫn không quên các bạn nhậu. Chiều chiều, sau giờ làm việc, họ vẫn hẹn hò ở các quán bia. Đến tối mịt, chồng cô mới về: “Ủa, em chưa ngủ sao, chờ anh làm gì?”.
Câu nói quen miệng của anh làm cô se sắt. Cô là vợ, mà sao anh hỏi giống như người trọ cùng nhà. Trong nhiều niềm vui rất riêng tư, có khi rất bí mật của anh, không có cô tham dự. Anh đã không cấm đoán vợ đến vũ trường, thì cô cũng không thể bắt buộc anh từ bỏ việc bù khú bạn bè. Cô tự nguyện bỏ sở thích, còn anh thì không. “Có phải mình đã hy sinh một cách lãng phí?” - Châu phân vân nghĩ.
Theo đúng kế hoạch của vợ chồng, hai năm nữa họ mới có con, để vật chất, tiền bạc được chuẩn bị đầy đủ. Châu lại phân vân, có phải nỗi buồn của mình thuộc dạng “nhà giàu đứt tay”, vì ông xã cô không để vợ phải thiếu thốn, vất vả. Cô đi làm vì muốn giao tiếp.
Trong những buổi tối chờ mở cửa cho ông xã, Châu nhận ra nỗi buồn của mình thành nỗi sầu riêng khi người bạn đời không hề hay biết. Ông xã cô quá bận rộn, anh đang gặt hái nhiều niềm vui khác ngoài gia đình. Anh sẵn sàng hủy chuyến đi chơi cuối tuần với vợ để tham gia dự án mới. Cuộc hôn nhân bắt đầu có những tiếng thở dài của người vợ trẻ. Cô mong sự xuất hiện của đứa con sẽ lấp đầy sự trống vắng đó.
Sau chuyến đi từ thiện giúp người bị tai nạn giao thông, bà Ngọc Thao, một chủ doanh nghiệp cho thuê xe du lịch, cứ nhớ như in câu chuyện của một cô vợ góa trẻ ở Đồng Tháp: “Ông xã em làm thợ hồ. Trước đây, tụi em gởi con cho bà nội, rồi cùng đi làm mướn ở xa, có khi ra tận miền Trung. Hai đứa ky cóp dành dụm, mong bà cháu, vợ chồng xây được một cái nhà bằng gạch. Vợ chồng em có mỗi chiếc xe đạp, vài bộ quần áo mang theo, vậy mà lúc nào cũng vui, không nỡ to tiếng với nhau. Đến khi ảnh được làm lái xe, thu nhập khá hơn, ảnh bảo em ở nhà trông con, phụ nữ ở ngoài nắng miết, mau già… Ngờ đâu, ảnh đột ngột ra đi… Không có đứa con nhỏ chắc em đi theo ảnh”.
Dường như gian nan, thiếu thốn là chất gắn kết tình nghĩa vợ chồng. Câu chuyện nhắc bà nhớ lại quá khứ. Cách đây gần 20 năm, bà là cô gái phụ việc cho một quán cơm, yêu cậu sinh viên nghèo hay “ăn trước trả sau”. Lấy nhau, tay trắng, cả hai từng đẩy chiếc xe đạp gắn đầy bong bóng bán trong những ngày lễ tết, từng ngồi vẽ, dán từng cánh thiệp để có tiền khi mùa xuân về… Rồi chạy vạy vay mượn mua một chiếc xe cũ, bắt đầu tập tành cho thuê xe. Khi đã quen việc, bà vợ tiếp tục mở rộng kinh doanh, còn ông chồng trở lại nghề biên tập sách.
Khi cuộc sống đã khá đủ đầy, một lần, trong cuộc gặp gỡ bạn bè của bà, mọi người vui miệng nhận xét về gia đình ông: “Bà vợ chẳng có bằng cấp gì lại làm chủ, còn ông chồng học đủ thứ thì đi làm thuê cho người ta”. Về nhà, ông tỏ ra khó chịu, bực mình với những người “ít học mà nhiều chuyện”. Bà phản ứng: “Chẳng lẽ phải học nhiều mới là người tốt sao?”. “Thì bà cứ giao du với họ, đừng lôi kéo tôi vào” - ông đáp.
Bà nhận ra, ông coi thường bạn bè, đối tác của bà, cũng là coi thường bà. Chất quê mùa ngày nào của bà không còn khiến ông rung động, mà làm ông thất vọng: “Bà có trát vàng trên người, cũng không sang lên được!”. Ngày xưa, lúc gian khổ, vợ chồng dễ dàng chấp nhận mọi khác biệt của nhau, cùng gánh vác nỗi lo chung. Bây giờ, họ muốn đi đâu, không cần phải báo cho nhau nữa. Không ai phải lo sợ: “Phải sống thế nào nếu không có nhau”. Cuộc hôn nhân có quá nhiều tự do là cuộc hôn nhân nhạt nhẽo.
Trong hành trình vất vả, người ta vượt qua mọi biên giới của tính cách, gia cảnh… để sống với nhau, chấp nhận nhau, đùm bọc nhau, họ đốt cháy hết mọi thứ khác nhau, nhưng rồi họ có thể mất nhau khi mỗi người trong tự do và khả năng, dần dần tự tìm kiếm cái riêng cho mình.
Nỗi trống vắng trong hôn nhân thường đưa người ta đến sai lầm. Đó là kinh nghiệm của chị Khánh Vân, kế toán một công ty dầu thực vật. Đến một ngày, trong những chuỗi ngày vợ chồng ít có thời gian dành cho nhau, chị linh cảm một nỗi lo âu, và rồi bắt được một dòng tin nhắn đầy yêu thương tình tứ trong điện thoại của ông xã. Chồng chị bảo: “Chỉ là quan hệ làm ăn”. Nhưng lòng chị cứ ray rứt, rồi chị cũng nói với một người đàn ông mới quen: “Anh gởi cho em về địa chỉ email này”. Chị cũng lý giải như ông xã chị: “Chỉ là công việc thôi!”. Đó là điều duy nhất, vợ chồng họ giống nhau, nhưng họ lại ra tòa ly hôn, bởi tiếng thở dài của cả hai đều quá mệt mỏi.
Đừng làm ngơ, mặc kệ những trống vắng, đừng chủ quan khi đã đủ đầy. Sống biết ơn nhau là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng. Những giá trị bên ngoài nhân đức như: nhan sắc, địa vị, tiền bạc… có thể đưa con người xa cách nhau. Trong cuộc hôn nhân, người trong cuộc phải thấy mình còn “nghèo” lòng mến, còn “nợ” tình thương, còn cần chia sẻ, để trong đời sống chung, vợ chồng luôn muốn có nhau, được gần nhau. Đừng để lòng người lạnh lùng: “Chẳng ai phải nhờ ai, không có người này, người kia vẫn ổn định cuộc sống”.
Không có thói quen tâm tình biết ơn nhau, vợ chồng sẽ dễ thờ ơ với nhau. Ông chồng sẽ không nhận ra hy sinh của bà vợ, những điều mà cô ta từ bỏ, để dành thời gian vun đắp cho cuộc hôn nhân. Xa những ngày nghèo túng rồi, mà sao nỗi trống vắng trong lòng lại tăng thêm. Không ít cuộc hôn nhân trong những ngôi nhà tiện nghi, mỗi người tự do không ràng buộc gì nhau, nhưng lại lầm lũi: “đường đi một mình”.