Anh Hải (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại Hà Nội có đam mê tập thể hình. Để tối ưu hiệu quả tập luyện, nam thanh niên này thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm bổ sung để tăng cơ.
Tuy nhiên, đã kết hôn được 2 năm nhưng anh Hải vẫn chưa có tin vui. Anh đi làm xét nghiệm tinh dịch đồ thì tá hỏa vì nhận kết quả không có tinh trùng.
Ảnh minh họa
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, ban đầu anh rất bất ngờ khi người chồng có cơ thể rất vạm vỡ, săn chắc nhưng lại không có tinh trùng.
Tuy nhiên, đi sâu vào khai thác tiền sử, chuyên gia này xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do Hải đã lạm dụng thực phẩm bổ sung tăng cơ có chứa testosterone trong một thời gian dài.
Theo BS Thành, testosterone là một homrone sinh dục nam quan trọng nhất được tổng hợp chủ yếu tại tinh hoàn (95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (5%).
Đặc biệt, testosterone làm phát triển các đặc tính sinh dục nam (râu, giọng nói, phát triển cơ xương), duy trì hoạt động tình dục và sản sinh tinh trùng.
Theo BS Thành, không ít các sản phẩm hỗ trợ tăng cơ trên thị trường hiện nay có thành phần testosterone. Với mục đích tăng cơ dựa trên đặc tính sinh học của testosterone là làm tăng khối lượng cơ. Tuy nhiên, testosterone không được chỉ định trong điều trị với mục đích tăng cơ.
Đến nay, Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ chấp thuận điều trị testosterone trong các rối loạn liên quan đến suy giảm nồng độ testosterone như: Suy chức năng tinh hoàn, suy chức năng tuyến yên hoặc vùng dưới đồi. Các tình trạng này gọi chung là suy sinh dục.
Việc sử dụng các sản phẩm này phải được chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên môn.
Lạm dụng testosterone ngoại sinh gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho các quý ông. Đặc biệt, testosterone gây tín hiệu làm giảm khả năng sinh tinh của nam giới.
"Testosterone làm tăng quá mức nồng độ testosterone trong cơ thể. Việc này phát tín hiệu ức chế tuyến bài tiết hormone hướng sinh dục, có vai trò tham gia vào tổng hợp testosterone. Khi hormone này thấp, tinh hoàn sẽ không sản xuất testosterone nội sinh.
Tình trạng này kéo dài làm suy giảm chức năng tinh hoàn, tác động trực tiếp lên khả năng sinh tinh và gây vô sinh nam như trường hợp bệnh nhân này", BS Thành cho hay.
Ảnh minh họa
Cũng theo BS Thành, trường hợp bệnh nhân Hải không phải là hiếm. Mới đây, chuyên gia này cũng tiếp nhận điều trị một nam thanh niên mê tập gym có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ rất kém.
"Mặc dù bệnh nhân có thể tích tinh hoàn rất tốt nhưng mật độ tinh trùng chỉ đạt 5 triệu con/ml. Trong khi đó mức bình thường phải lên cả trăm triệu con. Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân cũng thường xuyên sử dụng thực phẩm tăng cơ có testosterone", BS Thành nhấn mạnh.
Với các trường hợp như thế này, theo BS Thành, bệnh nhân cần phải xét nghiệm nội tiết. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó và các yếu tố khác để có hướng điều trị.
Bên cạnh sức khỏe sinh sản, lạm dụng testosterone ngoại sinh cũng có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, nam giới dùng testosterone ngoại sinh tuy giúp cơ bắp tăng nhưng đồng thời cũng có nguy cơ bị các cơn đau tim cao hơn.
FDA khuyến cáo, dùng testosterone ngoại sinh làm tăng 30% nguy cơ đột quỵ, đau tim và tử vong ở nam giới.