Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, khoa Nam học, Bệnh viện Quân đội 108, vô sinh (hay hiếm muộn) được định nghĩa là tình trạng khi một cặp quan hệ tình dục bình thường không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào liên tục trong một năm mà không thể có thai tự nhiên.
Theo bác sĩ Đạt, hiện nay, tình trạng vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi mắc bệnh.
Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 8 – 15% các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam hiện nay, vô sinh chiếm 12 – 13% tổng số cặp vợ chồng, tương đương với gần một triệu cặp vợ chồng, trong đó nguyên nhân vô sinh ở nam và nữ là tương đương nhau.
4 nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nam giới
Theo bác sĩ Đạt cho biết, có 4 vô sinh gây vô sinh nam, bao gồm:
Yếu tố sinh học, di truyền
Vô sinh nam có liên quan đến các yếu tố nguy cơ di truyền, chẳng hạn như bất thường về nhiễm sắc thể, mất đoạn vi thể trong nhiễm sắc thể Y, đột biến gen và đa hình thái ở các gen ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh, giãn tĩnh mạch tinh, tắc ống dẫn tinh,…
Yếu tố rủi ro liên quan đến hành vi, lối sống
Các hành vi có khả năng gia tăng nguy cơ vô sinh như hút thuốc, uống rượu, bệnh lây truyền qua đường tình dục và uống nhiều loại thuốc...
Yếu tố môi trường
Các nghiên cứu đánh giá về các yếu tố nguy cơ gây vô sinh nam được xác định là tiếp xúc với kim loại độc hại, chẳng hạn như thiếu chì, kẽm, thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp và độc tố nấm mốc.
Ngoài ra các thuốc hóa trị liệu, phơi nhiễm phóng xạ và một số dược phẩm hoạt động như chất độc trực tiếp với tinh trùng hoặc tinh hoàn.
Yếu tố rủi ro do tuổi tác
"Điều trị vô sinh nam giới phụ thuộc vào nguyên nhân, đã bị vô sinh bao lâu, tuổi và sở thích cá nhân. Trong mọi trường hợp vô sinh, các đối tác nữ cũng cần phải được kiểm tra và có thể cần điều trị", bác sĩ Đạt nhận định.
Nam giới nên đi khám vô sinh khi nào?
Theo bác sĩ Đạt, nam giới cần tìm đến bác sĩ khi:
- Không có khả năng giúp nữ giới thụ thai. Một số trường hợp còn không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng.
Nếu có các vấn đề tiềm ẩn như mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn di truyền, giãn tĩnh mạch tinh hoàn hay nguy cơ tắc nghẽn ống dẫn tinh, nam giới nên đi khám để có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Có sự bất thường trong chức năng tình dục gồm khó xuất tinh, giảm ham muốn giao hợp, khó duy trì sự cương cứng (rối loạn cương dương); sưng, đau, khó chịu tại dương vật hay có cục u ở tinh hoàn.
- Vú tăng trưởng bất thường; Lông giảm trên mặt hay một số vùng cơ thể.
TS, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời điểm các cặp vợ chồng nên đi sàng lọc vô sinh:
Thứ nhất, với nhóm dưới 35 tuổi (độ tuổi sinh sản tốt nhất) đang duy trì đời sống tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng trong vòng 1 năm chưa thấy mang thai.
Thứ hai, với nhóm trên 35 tuổi, cũng đang duy trì đời sống tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng trong vòng 6 tháng chưa thấy mang thai thì nên đi thăm khám vô sinh, hiếm muộn.