Những người uống rượu, bia tuyệt đối không được làm những việc sau nếu không muốn mất mạng:
Uống quá nhiều cà phê, trà đặc, đồ uống có ga
Sau khi uống rượu, bia xong cơ thể chúng ta sẽ bị mất nước và có cảm giác rất khát nước, nhiều người tìm đến những loại đồ uống như cà phê, nước uống có ga... Tuy nhiên khi cơ thể đang có chất cồn trong người thì không nên uống nhiều cà phê, vì những thức uống này sẽ khiến cho tình trạng thiếu nước trong cơ thể trầm trọng hơn.
Uống trà đặc có thể làm tim quá hưng phấn, khiến tim đập nhanh hơn không có lợi cho thận, khi thận đang phải đào thải cồn từ bia, rượu.
Nhiều người có thói quen uống cả rượu và nước ngọt hoặc pha rượu và nước ngọt để uống, điều này rất nguy hại cho cơ thể. Rượu trắng thông thường có chứa cồn, khi rượu và khí ga gặp nhau trong cơ thể, sẽ làm cho lượng cồn nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể, đồng thời sản sinh ra lượng CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột. Nó kích thích niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng tiêu hóa, đồng thời người mắc bệnh dạ dày, đường ruột nếu sau khi uống rượu, uống cùng nước có ga thì sẽ làm cho ruột và dạ dày chảy máu.
Tắm
Tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất. Nếu bị huyết áp cao và bệnh tim mạch vành lại càng cần lưu ý, bởi tắm nước lạnh sau khi uống rất dễ dẫn đến thiếu máu đến tim, gây ra nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tới tính mạng.
Không đi ra lạnh
Do cồn kích thích cho mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng vì vậy dễ mắc bệnh do gặp lạnh sau khi uống rượu, bia.
Khi trong cơ thể có cồn thì tốt nhất không nên đi ra ngoài lạnh hoặc ngồi dưới quạt mạnh sẽ khiến cho cơ thể bạn dễ bị cảm lạnh, trúng gió
Ngủ ngay sau khi uống rượu, bia
Sau khi uống rượu bạn thường cảm thấy buồn ngủ. Nhưng nếu sau khi uống rượu mà đi ngủ ngay lập tức thì sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể, gây nguy hại cho gan.
Bên cạnh đó, hệ hô hấp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, chúng ta không nên đi ngủ ngay sau khi uống rượu, thay vào đó hãy nên rửa mặt bằng nước lạnh, sau đó ngồi nghỉ ngơi.
Đắp chăn điện khi ngủ
Khi uống rượu quá mức, cơ thể rối loạn chức năng điều chỉnh nhiệt độ, tăng sự mất nhiệt, có thể gây ớn lạnh. Lúc này cơ thể cần được ấm áp song không nên đắp chăn điện, đặc biệt là người mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Sau khi uống rượu, mạch máu giãn ra, nhịp tim và sự trao đổi chất sẽ tăng tốc, huyết áp cao, có thể gây ra nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và các bệnh khác. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn bông ấm, uống một ít nước ấm nhưng không được quá nóng để tránh bị sốc nhiệt.
Để chế độ điều hòa quá lạnh khi ngủ
Điều này dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh, dẫn đến nhiều tình trạng nặng hơn như trúng gió, méo miệng, liệt chân tay…
Khi say rượu, tùy cơ địa mỗi người, có người cảm thấy nóng hoặc cảm thấy lạnh run. Khi đó có thể uống nước ấm hoặc sử dụng nhiều lớp chăn để giữ ấm cho cơ thể. Ngoài ra cũng nên nằm nghỉ ở nơi kín gió.
Không cố tự nôn mửa
Cảm giác khó chịu trong bụng là chuyện dễ gặp sau khi uống nhiều bia rượu. Cũng vì thế mà nhiều người rất muốn nôn ra để dễ chịu hơn, tuy nhiên, việc cố tự nôn ra rất nguy hiểm. Nôn mửa bất chợt có thể dễ gây ngạt thở, đặc biệt là khi nhận thức của bạn không được tỉnh táo do quá say. Không chỉ thế, nôn nhiều có thể gây ra tình trạng trào ngược thức ăn, dễ gây viêm tụy cấp, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Tuyệt đối không uống các loại thuốc này sau khi uống rượu bia
Thuốc hạ sốt: Sau khi uống rượu mà thấy trong người có triệu chứng sốt, khi đó tốt nhất bạn không nên uống thuốc hạ sốt ngay. Vì trong thuốc hạ sốt có chứa chất tylenol, khi chất này gặp cồn trong rượu, bia sẽ phản ứng hóa học, sinh ra chất độc hại dẫn đến viêm gan, thậm chí gây tổn thương nghiêm trọng đến gan, có thể dẫn đến tử vong.
Thuốc bổ gan: Khi rơi vào trạng thái say xỉn, gan rất vất vả để đào thải rượu. Nếu bạn uống thuốc sẽ khiến bộ phận này phải làm việc nhiều hơn. Điều đó khiến gan dễ bị viêm và tổn thương.
Thuốc chống nôn: Không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không kịp lọc chất độc càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày dễ bị xơ gan, ung thư gan.
Các loại vitamin B1, B6, acid folic… được khuyến cáo không nên uống để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa.
Thuốc kháng sinh: Việc uống các loại thuốc, nhất là kháng sinh khi đang có chất cồn trong người sẽ khiến cơ thể ta dễ gây ra phản ứng tương tự như dị ứng, thậm chí nặng hơn có thể bị sốc thuốc, hạ huyết áp, hạ đường huyết, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày...
Cách tốt nhất để giúp giải rượu đó là nên uống thật nhiều nước, đặc biệt là những loại nước bổ sung chất điện giải cho cơ thể, hoặc những loại nước bổ sung vitamin C như nước cam pha loãng giúp duy trì lượng máu ở mức ổn định trong cơ thể.