Miếng rửa bát là một dụng cụ bếp không thể thiếu. Tuy nhiên có một sai lầm mà nhiều người Việt thường mắc phải, đó là ít thay thế thường xuyên miếng rửa bát cũ. Việc này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Trên tờ DailyMail, nhà khoa học Michael Hanlon đã cảnh báo, trong gian bếp của mỗi nhà có nhiều nguy hiểm ẩn giấu, trong đó đáng chú ý nhất là miếng rửa chén bát.
Theo chuyên gia này, miếng rửa chén bát thường không được rửa sạch và phơi khô lại dính đầy thức ăn nên nó chính là ổ chứa hàng triệu vi trùng.
Nghiên cứu đã chỉ ra, mỗi cm2 khăn hoặc miếng rửa bát có thể chứa tới 45 tỷ vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và nhiều chủng vi khuẩn nguy hiểm khác.
Vi khuẩn sẽ bám vào bát đĩa khi bạn dùng miếng rửa bát bẩn để làm sạch chúng.
Đáng chú ý, theo TVBS News, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu miếng rửa bát sử dụng trong một thời gian dài mà không được thay thế, hàm lượng vi khuẩn trong đó sẽ nhiều gấp đôi hơn so với một chiếc bồn cầu.
Đặc biệt nếu để bát đĩa bẩn ngâm qua đêm và miếng rửa bát không được giặt sạch thì vi khuẩn sẽ trực tiếp sinh sôi gấp 480.000 lần.
Sử dụng miếng rửa bát bẩn cũng có thể gây nguy cơ nhiễm trùng thực phẩm. Khi bạn sử dụng miếng rửa bát chứa vi khuẩn để rửa bát đũa, chén đĩa và các dụng cụ nấu ăn, có thể dễ dàng làm vi khuẩn lan tràn lên bề mặt thực phẩm.
Nếu sau đó, chúng ta ăn thực phẩm này mà không nấu chín hoặc chế biến kỹ càng, có thể dẫn đến nhiễm trùng và các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
Sử dụng miếng rửa bát bẩn cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng da và tiêu hóa. Khi bạn tiếp xúc với miếng rửa bát nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập vào da, gây viêm nhiễm, ngứa và nổi mụn.
Nếu cho tay vào miệng hoặc mắt sau khi tiếp xúc với miếng rửa bát bẩn, vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng tiêu hóa và tiêu chảy.
Để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, hãy thay miếng rửa bát thường xuyên. Miếng rửa bát nên được thay mỗi tuần hoặc khi chúng bắt đầu có dấu hiệu bẩn hoặc có mùi có thể giúp giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn. Không để miếng rửa bát bẩn tiếp xúc với thực phẩm hoặc vùng mắt và miệng của bạn.
Ngoài miếng rửa bát, thớt bẩn và vòi nước, bồn rửa đều có thể là những nơi tích tụ một lượng vi khuẩn rất lớn. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), trung bình một chiếc thớt bẩn có chứa lượng vi khuẩn lớn hơn 200 lần so với bồn cầu trong nhà vệ sinh.
Không những thế, vòi nước tại bồn rửa bát do tiếp xúc nhiều với tay người trong lúc nấu ăn cũng là nơi tập trung một lượng vi khuẩn lớn hơn bồn cầu 44 lần. Các loại vi khuẩn nguy hiểm như E.coli, Salmonella… sinh sôi trong ống thoát nước rất dễ dàng bám vào bồn rửa.
Đó là lý do việc ngâm bát đũa bẩn trong thời gian dài chắc chắn tồn tại rất nhiều rủi ro cho sức khỏe. Nếu ngâm bát đũa từ 1 đến 4 giờ sau khi ăn, vi khuẩn sẽ bám vào và sinh sôi với tốc độ chóng mặt.
Các chuyên gia cho biết, hệ tiêu hóa sẽ phải chịu các tổn thương nghiêm trọng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, gây ra các bệnh tiêu hóa, thậm chí là ung thư.