Thời tiết nóng bức, nhiều người thường dùng chanh leo làm nước giải khát trong những ngày hè oi nóng. Mặc dù loại nước uống này rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải bất cứ ai cũng nên sử dụng.
Giá trị dinh dưỡng của quả chanh leo đối với sức khỏe
Cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào
Chanh leo chứa nhiều axcid amin như: prolin, valin, tyrosin, treonin, glycin, leucin, arginin... tốt cho người bị suy nhược cơ thể.
Trong 100g chanh leo đã bỏ hạt có 8,7mg vitamin A, 63 mg kali, 5 mg magiê, 5,4 mg vitamin C, 2 mg canxi, 0,29 mg sắt, 1,9g chất xơ. Ngoài ra, chanh leo cũng chứa phốt pho, niacin và vitamin B6 giúp cơ thể khỏe mạnh.
Chanh leo rất giàu dinh dưỡng với hàm lượng vitamin A cao rất tốt cho da, thị lực và hệ miễn dịch và vitamin C - một chất chống oxy hóa quan trọng.
Chanh leo chứa nhiều chất chống ung thư
Polyphenol, chất chống oxy hóa và carotenoids có trong chanh leo có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt đối với ung thư phổi và ung thư miệng. Ngoài ra, chanh leo rất giàu chất chống oxy hóa, là những hợp chất giúp loại bỏ các gốc tự do có hại trong cơ thể.
Các nhà khoa học nhận định, chất chống oxy hóa cải thiện lưu lượng máu, đặc biệt đến não và hệ thần kinh. Chúng cũng giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm căng thẳng tế bào - cả hai đều hữu ích trong phòng tránh và điều trị một số bệnh như bệnh tim và bệnh Alzheimer.
Nguồn chất xơ tốt giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Hàm lượng chất xơ trong chanh dây rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Nó hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng nhẹ, giữ cho đường tiêu hóa luôn sạch sẽ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chất xơ cũng có lợi ích trong việc giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe của tim. Ăn chanh leo thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.
Có chỉ số đường huyết thấp rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường
Chanh leo là một loại trái cây nhiệt đới có giá trị chỉ số đường huyết (GI) thấp. Điều này có nghĩa là nó không gây ra sự gia tăng mạnh lượng đường trong máu sau khi ăn, là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Cải thiện độ nhạy insulin
Một số nghiên cứu cho thấy một hợp chất được tìm thấy trong hạt chanh leo có thể cải thiện độ nhạy insulin. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ năm 2017 trên người cho thấy một chất gọi là piceatannol trong hạt chanh leo có thể cải thiện quá trình trao đổi chất. Những người đàn ông thừa cân dùng 20mg piceatannol mỗi ngày trong 8 tuần đã cải thiện sức khỏe trao đổi chất, bao gồm cả độ nhạy insulin, so với những người dùng giả dược.
Cái thiện sức khỏe của xương
Chanh leo rất giàu nguồn khoáng chất như magie, canxi, sắt và phốt pho có thể hỗ trợ cho sức khỏe của xương. Những khoáng chất trong chanh dây, khi kết hợp cùng với các nguồn khoáng chất dồi dào khác trong rau xanh và sữa có thể giúp duy trì mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương.
Tốt cho người muốn giảm cân
Đây là một trong những loại trái cây hoàn hảo để giảm cân vì nó có lượng calo, chất béo và natri thấp. Mỗi khẩu phần chanh leo (100 gram) có 97 calo. Ngoài ra, nó cũng có hàm lượng chất xơ cao, thúc đẩy cảm giác no của dạ dày, do đó làm giảm cảm giác thèm ăn của bạn.
Giúp cải thiện giấc ngủ
Chanh leo đặc biệt có lợi cho người bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Nó có tính chất làm buồn ngủ, giúp bạn thư giãn và làm dịu các dây thần kinh. Uống một ly nước ép chanh leo trước khi ngủ có thể làm dịu tâm trí, giúp bạn bớt căng thẳng và có một giấc ngủ yên bình.
Làm đẹp da
Tác dụng giữ ẩm và làm sạch da của chanh leo giúp nuôi dưỡng tất cả các loại da, đặc biệt là da bị mụn, chống lão hóa da và chống viêm da hết sức hiệu quả.
Một số lưu ý khi sử dụng chanh leo
- Dù chanh leo nhiều lợi ích, nhưng dùng thường xuyên và liều cao hơn sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, người đờ đẫn và nôn mửa. Đôi khi nó làm cho chóng mặt và loạn nhịp tim.
- Chanh leo cũng có thể tương tác với các thuốc an thần và thuốc kháng histamine hoặc một số thảo dược, và làm tăng mức độ buồn ngủ. Nó còn làm tăng nguy cơ chảy máu vì tương tác với thuốc chống đông.
- Chanh leo cũng dễ gây dị ứng trên da như nổi mề đay, khó thở, hen suyễn và phù mạch máu. Không dùng chanh dây cho người loét dạ dày vì nhiều axít hữu cơ, gây nên viêm loét dạ dày hoặc tệ hơn là xuất huyết dạ dày và có nguy cơ xuất hiện sỏi thận. Cần đến bác sĩ ngay nếu thấy một trong các triệu chứng trên. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng quá nhiều.