Bà bầu uống bột sắn dây có tốt không?
Bột sắn được mài từ rễ của củ sắn dây, loại cây thường mọc nhiều tại các vùng đồi núi hoang nước ta. Thông thường, người dân thu hoạch củ sắn dây vào cuối mùa đông để bột đạt chất lượng tốt nhất.
Các tài liệu Đông y cho biết, bột sắn dây có tên gọi cát căn, vị ngọt, tính bình giúp giải nhiệt, cải thiện tuần hoàn não, ổn đinh đường huyết, giải độc gan, tốt cho tim mạch, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa.
Đối với bà bầu, bột sắn dây có tác dụng kích thích nhu động ruột, chuyên trị táo bón, thanh nhiệt đồng thời cung cấp nước, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt và nhiều dưỡng chất cần thiết khác cho mẹ và bé.
Cách pha bột sắn dây cho bà bầu
Bột sắn dây có tính hàn nên bà bầu không nên quấy bột sắn dây uống sống. Uống theo cách này sẽ khiến cơ thể bà bầu trở nên uể oải, mệt mỏi, hệ tiêu hóa làm việc trì trệ.
Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên lạm dụng uống quá nhiều bột sắn dây. Theo các chuyên gia, mỗi ngày bà bầu chỉ nên uống 1 ly bột sắn dây đã chế biến chín để tận dụng nguồn dinh dưỡng dồi dào.
Trong quá trình chế biến bột sắn dây để uống, bà bầu cũng cần lưu ý không nên thêm quá nhiều đường sẽ khiến đường huyết gia tăng. Bà bầu có thể pha bột sắn dây chín để uống theo 2 cách đơn giản, nhanh chóng sau đây:
Cách 1: Bột sắn dây pha đặc
Bà bầu cho một muỗng canh bột sắn dây cùng ít đường vào ly. Tiếp đến, thêm 2 - 3 muỗng canh nước sôi để nguội rồi khuấy đều. Sau đó, thêm nước nóng khoảng 80 độ vào tiếp tục khuấy đều tay đến khi vừa uống, tránh vón cục. Bột sắn dây lúc này sẽ có màu trắng trong và sền sệt, vị thơm ngon cho bà bầu thưởng thức.
Cách 2: Bột sắn dây pha sữa
Để đổi vị với thức uống bột sắn dây, bà bầu có thể hòa một muỗng sữa đặc với hai muỗng canh nước ấm, để nguội. Sau đó cho một muỗng canh bột sắn dây vào hòa tan. Cho hỗn hợp này vào nồi đun trên bếp, liên tục dùng đũa khuấy đều đến khi bột sắn dây sánh lại, màu trong bắt mắt. Cuối cùng, bà bầu múc bột ra ly, thêm đá viên vào rồi thưởng thức.