Ảnh hưởng của những chuyến bay đối với sức khỏe bà bầu
Theo trang Verywellfamily, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên các nữ tiếp viên hàng không. Một kết luận được đưa ra là tỉ lệ sảy thai trong ba tháng đầu gia tăng ở những người phục vụ và làm việc nhiều giờ trên máy bay.
Một số nghiên cứu tập trung vào sự tác động về bức xạ trong chuyến bay đối với sức khỏe bà bầu. Kết luận đưa ra là tùy thuộc vào độ dài chuyến bay, đường bay và các hiện tượng hàng không khác mà bức xạ tác động khác nhau đến sức khỏe bà bầu.
Các bác sĩ cho biết, bà bầu nên hạn chế việc di chuyển bằng máy bay khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Lý do được đưa ra là áp suất khi đi máy bay có sự thay đổi so với trên mặt đất ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể bà bầu. Lượng máu nuôi thai nhi không ổn định gây kích thích tử cung dẫn đến nguy cơ sinh non.
Tư thế ngồi nhiều giờ đồng hồ cũng gây nên tình trạng đau lưng ở bà bầu. Những thai phụ có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, sinh non nên hạn chế di chuyến bằng máy bay.
Đối với phụ nữ có sức khỏe bình thường, vẫn có thể di chuyển nhưng cần hết sức thận trọng; số giờ bay trong tháng không quá 74 giờ.
Bà bầu đi máy bay cần lưu ý điều gì để đảm bảo an toàn?
Trước khi đi máy bay, bà bầu cần khám thai định kỳ và xin ý tiến tư vấn của bác sĩ để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến bay. Theo các bác sĩ, trước tuần thai thứ 27 là thời gian phù hợp nếu bà bầu có ý định đi máy bay. Sau khi có xác nhận của bác sĩ, bà bầu đừng quên báo cho bộ phận liên quan về thể trạng sức khỏe trong thai kỳ và lựa chọn chỗ ngồi phù hợp.
Bà bầu cần ăn đủ no, không ăn các thức ăn lạ và uống đồ uống có ga trước khi lên máy bay. Đồng thời, chị em có thể mang theo đồ ăn nhẹ giàu dinh dưỡng dự phòng. Việc ngồi hàng giờ trên máy bay có thể khiến cơ thể bà bầu bị mất nước, vì vậy bà bầu đừng quên uống đủ lượng nước theo nhu cầu.
Khi ngồi ghế máy bay, bà bầu nên thắt dây an toàn đúng cách ở vị trí bên dưới đai xương hông. Mẹ bầu có thể mang thêm gối giúp dễ dàng nghỉ ngơi, chợp mắt. Thỉnh thoảng, bà bầu nên đứng lên đi lại trong những chuyến bay dài để giảm nguy cơ chuột rút, tụ máu hoặc sưng mắt cá chân. Trong khi ngồi, bà bầu nên duỗi hai chân tránh hiện tượng phù nề.