Tại hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2024 diễn ra ngày 22/12, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với chất lượng dân số ngày càng cải thiện. Tuổi thọ trung bình của người dân cả nước đạt 74,5 tuổi vào năm 2023, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, xu hướng sinh thấp bắt đầu xuất hiện từ năm 2023, khi tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ. Năm 2024, tỷ suất sinh dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ, nhưng vẫn ở mức thấp so với ngưỡng cần thiết để đảm bảo phát triển dân số bền vững.
Năm 2024, đã có 1.469 thanh niên nam nữ tự nguyện tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, đạt mức tăng 19% so với các năm trước. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 86,46% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 83,98%.
Đặc biệt, hơn 30.000 thanh niên đã tham gia các hoạt động khám sức khỏe trước khi kết hôn. Theo tính toán, tỷ suất sinh năm 2024 dự báo là 1,4 con trên một phụ nữ.
"Tổng tỷ suất sinh tăng nhẹ, nhưng vẫn nằm ở mức thấp so với nhu cầu phát triển dân số bền vững", ông Trung nói.
Để giải quyết vấn đề này, Chi cục Dân số TP.HCM đặt mục tiêu:
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách và pháp luật về dân số.
- Huy động các nguồn lực để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về dân số.
- Đề xuất các chính sách hỗ trợ:
- Thưởng 3 triệu đồng cho người sinh đủ hai con trước 35 tuổi;
- Hỗ trợ 2 triệu đồng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội, hoặc sống tại xã đảo để thực hiện tầm soát trước sinh, sơ sinh.
Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay thách thức lớn nhất trong công tác quản lý dân số của thành phố là dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông và phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngoài ra, có các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh.