Thời gian gần đây, vụ ly hôn tai tiếng của một cặp vợ chồng nổi tiếng là tâm điểm của những cuộc tranh luận báo chí, cộng đồng, thậm chí là trong những cuộc nói chuyện nho nhỏ khắp nơi. Tai tiếng là vì cuộc ly hôn đó không chỉ là vợ chồng hết tình hết nghĩa, mà còn là rạch ròi bạc tiền, khích bác nhau đến cùng với một cơ nghiệp quá lớn từng đồng cam cộng khổ. Tình lúc này còn hay không chẳng rõ, nhưng tiền thì có vẻ chẳng ai là không cần.
Người ta có thể nhìn vào tình nghĩa suốt bao năm vợ chồng để tiếc nuối cho tháng ngày bên nhau từ tay trắng đến lúc thành công. Người ta cũng có thể nhìn vào tiền và quyền để phê phán sự tham lam, độc chiếm, hay sát phạt nhau khi đã cạn tình cạn nghĩa. Nhưng tôi chỉ muốn nhìn vào một người phụ nữ trong bất kì cuộc ly hôn nào. Vì có phải, trong mỗi cuộc ly hôn, phụ nữ luôn là người thiệt thòi nhất?
Phụ nữ khi bước vào hôn nhân chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được bao nhiêu tiền và quyền với người đàn ông mình lựa chọn. Phụ nữ chọn chồng luôn xuất phát từ mong muốn có một người đàn ông làm điểm tựa cho cuộc đời mình, hy vọng tìm được bạn đồng hành cùng chung suy nghĩ và quan điểm. Huống hồ là những người phụ nữ đặt cược đời mình vào một người đàn ông chưa có gì trong tay. Nếu nói tham vọng của đàn bà lớn tới mức đã tính toán hết mọi đường đi nước bước để sướng thân thì có phải là quá rủi ro không? Vì thanh xuân đàn bà đâu có trở lại lần hai. Nếu nói đàn bà làm liều đánh cược, thì chỉ có thể là cược vì tình yêu trong tim và an yên trong lòng. Chỉ có thể vì thương vì yêu, đàn bà mới trở nên can đảm đến thế.
Người ta hay nói, “của chồng công vợ”, chắc cũng thật đúng nếu đàn ông đã thành công và biết ơn tháng năm vợ đứng sau làm hậu phương vững chắc. Nhưng nếu một ngày khi vợ chồng đứng trên hai bờ “chiến tuyến”, công vợ bao năm có quy ra tiền để cân đo đếm cho vừa với công sức của chồng được không? Không, hoàn toàn không, đàn bà làm gì có thể quy hy sinh, tận tụy, thậm chí là thua thiệt của mình ra giấy tờ để chứng minh, để hơn thua với người đàn ông của mình?
Đứng trước một cuộc ly hôn, đàn bà chỉ có hai tài sản lớn nhất để chứng minh, đó là con cái và sự hy sinh của mình. Đó là hai điều đàn bà có thể lấy ra để làm sức mạnh, để chứng minh mình đã cố hết sức, đã tận tụy hết lòng. Ngoài ra, họ chẳng có có gì khác để nói lên rằng mình đã thua thiệt và tổn thương nhường nào. Nếu nói họ kêu ca, ừ thì có gì đâu nếu thật sự họ đã một mình nỗ lực và chịu đựng thật nhiều? Nếu nói họ lấy con ra để làm vũ khí thì có gì sai khi họ đòi quyền lợi cho con, đòi sự bảo vệ cho con sau này? Nếu nói họ tham lam, thì có gì sai nếu họ chỉ muốn giữ lại công sức bao năm bản thân đã gìn giữ và phát triển?
Suy cho cùng, một người đàn bà đã đi tới bước đường ly hôn thì họ chắc hẳn đã chịu đựng quá nhiều. Chẳng người đàn bà nào muốn ly hôn khi đã từng hạnh phúc cùng chồng từ lúc nghèo khó đến tận lúc sang giàu. Không người đàn bà nào muốn đứng nơi tòa án để chia chác, cạn cùng với chồng, tổn thương con cái sau này. Không người đàn bà nào muốn thế, nếu họ không bị dồn đến bước đường cùng.
Một người đàn bà tiến đến cánh cửa ly hôn, có thể mưu mô, có thể hung tợn, nhưng chẳng phải đều là vì người đàn ông bên cạnh mà ra? Và để một người đàn bà đủ can đảm để tranh cãi, rạch ròi với chồng, có phải đã có quá nhiều nước mắt và niềm đau?
Vốn không thể nói về những điều khuất tất sau sự đổ vỡ của một gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng dù là người nghèo hay người giàu thì đàn bà vẫn là đàn bà, lòng họ vẫn thế, mong ước của họ vẫn chỉ có thế. Họ vẫn yếu đuối và thiệt thòi sau những đổ vỡ hôn nhân. Họ vẫn tổn thương và nhiều nước mắt khi nuôi con một mình. Họ vẫn hằn một vết thương dài theo năm tháng sau ly hôn.
Bởi thế, sao thì tôi vẫn thương, thương một kiếp đàn bà dốc lòng rồi lại cạn sức, lỡ dở rồi là long đong một đời…
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.